Kiêu hãnh Trường Sa - Bài 1: Làng quê hiền hòa

Trong lịch sử dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được xác lập, quản lý và bảo vệ với biết bao máu xương, công sức, mồ hôi, nước mắt và trí tuệ của các thế hệ người Việt Nam. Từ hàng chục năm nay, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo là nhiệm vụ quan trọng, vinh quang của toàn dân, toàn quân. Trong đó, Trường Sa luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam, đã và mãi là niềm tin yêu, niềm kiêu hãnh của Tổ quốc trường tồn.
Kiêu hãnh Trường Sa - Bài 1: Làng quê hiền hòa

Trong lịch sử dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được xác lập, quản lý và bảo vệ với biết bao máu xương, công sức, mồ hôi, nước mắt và trí tuệ của các thế hệ người Việt Nam. Từ hàng chục năm nay, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo là nhiệm vụ quan trọng, vinh quang của toàn dân, toàn quân. Trong đó, Trường Sa luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam, đã và mãi là niềm tin yêu, niềm kiêu hãnh của Tổ quốc trường tồn.

Từ trên tàu nhìn vào, mỗi hòn đảo ở Trường Sa như một vùng quê xanh mát giữa biển trời bao la. Và khi đặt chân lên đảo, chúng ta cảm thấy mình đang ở một làng xóm quê thanh bình, hiền hòa như mọi miền quê nơi đất liền Tổ quốc. Ở nơi ấy, quân dân chung sức dựng xây biển đảo quê hương giàu đẹp.

Chị Trúc Hà chăm vườn rau nhà trên đảo Trường Sa Lớn.

Chị Trúc Hà chăm vườn rau nhà trên đảo Trường Sa Lớn.

Mượt mà sắc xanh

Đảo Sơn Ca đẹp, xanh, sống động đúng như loài chim mà đảo mang tên. Đi dọc suốt đảo, dù giữa nắng nóng cuối mùa khô nhưng vẫn có cảm giác mát mẻ bởi được bóng cây bao phủ khắp nơi. Thực vật ở đảo khá phong phú, đa dạng về chủng loại nhưng ấn tượng hơn cả là những cây bàng vuông, sồi, phi lao lâu năm xanh mát mắt. Người lính đảo còn dụng công mang nhiều loại cây cảnh, cây thân mềm từ đất liền ra gieo trồng.

Trong vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rực rỡ hồng tươi những chùm bông giấy. Trên một cây bàng vuông có nhiều cành đã được bó chiết, thượng úy xe tăng Nguyễn Hữu Mạnh, quê ở Thanh Hóa tươi cười nói vọng xuống: “Em đang lựa một số cành làm quà gửi các chú, các anh mang vào đất liền trồng”.

Sắc xanh ở đảo Nam Yết đặc biệt ấn tượng bởi những cây mù u đã thành cổ thụ. Nắng đầu giờ chiều thật gay gắt nhưng như dịu lại khi lọt qua những kẽ lá sum suê đan xen tầng lớp trên đầu chúng tôi. Ngồi trò chuyện cùng đại tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, đang có chuyến công tác dài ngày trên đảo, người đã từng công tác tại đảo Nam Yết trong những năm 2004 -  2006, nghe ông kể về quá trình “xanh hóa” hòn đảo này mới thấy công sức và lòng kiên trì nhẫn nại của người lính không thể đong đếm hết.

Vốn chỉ là mặt cát san hô nên ngoài các cây tự nhiên như mù u, bàng vuông, phong ba chứ khó thể trồng được các loại cây ăn quả hay rau. Thế mà với thời gian, đất chở từ bờ ra đã dần tạo nên những mảnh vườn rau muống, bầu bí tốt tươi, đan xen khắp đảo, cả ở đảo chìm và đảo nổi. Người lính nơi đảo xa đã chắt chiu từng chút đất, chút nước để gieo trồng cây trái. Làm đẹp cảnh quan và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày của lính đảo, nên rau được ví như vàng xanh. Ở nhiều đảo, người lính đã có thể tự trồng, tự cấp tới 50% nhu cầu rau xanh.

Ngắm con heo nái sề đủng đỉnh dẫn đàn con ụt ịt chạy rong trên đảo Trường Sa Lớn; ngồi chụp hình chung với những chú chó to khỏe mà hiền lành ở các đảo Đá Lớn, Đá Tây; dõi theo đàn vịt lạch bạch nơi đảo Nam Yết; nghe tiếng gà gáy rộn ràng trong nắng sớm ở đảo Sinh Tồn Đông… chúng tôi như được đắm mình vào không khí làng quê thanh bình, rộn rã. Nét mộc mạc, dân dã của nghề nông, chăn nuôi trồng trọt nơi đảo xa của người lính tiền tiêu thật bình dị chân quê và cũng đầy sáng tạo...

Đảo Đá Tây có hình dạng quả trám, chiều dài phân ra 4 đảo nhỏ riêng biệt, được ngăn bởi các luồng, ở giữa có một cái hồ. Người lính đảo lợi dụng địa hình này, nhiều năm nay duy trì việc nuôi cá lồng. Hiện tại, mỗi năm CB-CS nơi đây “sản xuất” được tới 3 - 4 tấn cá chim trắng để trao đổi với thuyền bè ngư dân và làm quà cho tàu hải quân và đất liền. Chúng tôi đã được thưởng thức sản phẩm cao cấp này trong bữa ăn trưa trên tàu sau khi thăm đảo - cảm giác như được hưởng hương vị đặc sản mỗi khi tới một vùng quê nào đó.

Đúng là người lính nơi đảo xa như đang sống, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ làng quê yêu dấu này như ở chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. Và sắc xanh mượt mà giữa biển cả khắc nghiệt chính là một trong những “gam” chủ đạo làm nên họa, nhạc, thơ về cuộc sống mặc định của người lính Hải quân: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.  

Yên lành cuộc sống

Từ cầu cảng đảo Trường Sa Lớn đi lên chừng vài trăm bước chân, bên phía trái, ngay trước khi gặp đường băng sân bay, là ngôi chùa đầy vẻ thanh tịnh và trang nghiêm. Phía trước có cây bông sứ to, nở hoa trắng muốt trong nắng chiều vàng ươm. Ngôi chùa được bao bọc bởi một màu xanh thật mát lành của các tán cây đặc trưng nơi đảo xa là bàng vuông, phi lao… Hồi chuông dài trầm tĩnh mà vang vọng mở đầu cho buổi lễ cầu an. Thầy Thích Giác Nghĩa khoan thai chủ trì buổi lễ bằng những lời khấn nguyện trong khói hương trầm nghi ngút và trước sự thành kính của khách viếng chùa.

Cảm nhận về văn hóa tâm linh thờ Phật ngay giữa trùng khơi biển cả vẫn thật gần gũi, chân tình, lại càng thêm linh thiêng, tha thiết. Tiếng chuông chùa ngân nga giữa bao la mây nước Trường Sa cũng vang lên trên các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh… Đó là một trong những nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những con dân đất Việt đang vững vàng đứng trước sóng gió biển Đông, luôn mong cầu một cuộc sống hòa bình, an lành, thịnh vượng cho Tổ quốc thân yêu...

Thăm khu dân cư tại đảo Trường Sa lớn, thấy như một xóm nhỏ đẹp xinh trong thị trấn biển - thủ phủ của Trường Sa đang trên đà phát triển. Mỗi căn nhà biệt lập, tường xây ngói đỏ, có 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp, khu vệ sinh khang trang. Thêm một mảnh vườn phía sau nhà có đủ loại rau trái và đàn gà, vịt thảnh thơi. Hai bé gái Liên Quân 3 tuổi, Thục Quân 1 tuổi, con của vợ chồng anh chị Nguyễn Thành Hưng và Lê Thị Trúc Hà, mặc đồng phục tươm tất kiểu Hải quân đang tươi tắn cùng mẹ chơi đùa nơi hành lang giữa nhà và bếp.

Cũng như những gia đình khác, nhà của anh chị có đủ các tiện nghị như ti vi, loa, đài… Phòng khách được bài trí đẹp, có tủ thờ, bàn ghế. Họ tỏ ra rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Người chồng 34 tuổi, đi chài lưới vào những ngày biển yên, rồi còn tham gia dân quân tự vệ trên đảo. Người vợ ngoài chăm sóc con cái tươm tất, lo mảnh vườn nhà cùng đàn gà vịt hơn 20 con, còn tranh thủ phụ giúp bộ đội may vá, nấu ăn.

Ông Tô Hoài, cựu chiến binh Hải quân, từng là lính giữ đảo Thuyền Chài đầu những năm 1990, nay sinh sống ở Trường Sa cùng vợ và con gái út 7 tuổi, bộc bạch chân thành: “Nhớ thèm cái nắng, cái gió biển đảo mà tôi ra đây sinh sống. Chút vất vả ban đầu đã qua, nay rất ổn định và vui lắm, như lại được sống cùng đồng đội khi xưa”.

Ngôi trường tiểu học thị trấn Trường Sa khá bề thế với đủ các phòng chức năng như thư viện, phòng học, văn phòng, phòng tập thể dục thể thao, sân chơi rộng rãi. Tiếp chúng tôi, thầy giáo Phạm Trung Việt (30 tuổi, quê ở Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, anh xung phong ra đảo công tác năm đầu trong nhiệm kỳ 5 năm.

Vợ của Trung Việt làm nghề kế toán ở quê nhà. Họ chưa có con vì như Việt nói, cưới nhau chưa đầy tháng, chưa kịp “bén hơi” thì Việt đã ra đảo công tác. Trung Việt tâm tình: “Nhớ lắm chứ anh nhưng vì nhiệm vụ phải ráng vượt qua. Mỗi ngày chúng em thăm hỏi, động viên nhau qua điện thoại. Lấy công việc làm vui, em cảm thấy vinh dự và tự hào được góp sức lực nhỏ bé của mình vì Trường Sa và học sinh thân yêu”.

Những công dân tí hon nơi trùng dương sóng vỗ hôm nay - nhỏ thì được ba mẹ và các chú Hải quân bế bồng; lớn hơn thì vui cười, bạo dạn đón đoàn khách từ đất liền ra thăm tặng quà. Hòa trong niềm vui đầy xúc động, những người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng chúng tôi được vinh dự thay mặt hàng chục vạn học sinh và giáo viên tiểu học và THCS của TPHCM ra trao những phần học bổng cho học sinh Trường Sa.

Đây là sự góp sức đầy ý nghĩa vào chương trình “Chung tay vì bạn nhỏ biển đảo đến trường” của lứa trò nhỏ từ thành phố mang tên Bác gửi tới các học sinh cháu ngoan Bác Hồ nơi tiền tiêu biển đảo. Dù các thế lực bá quyền trên biển vẫn ngấp nghé rình rập đâu đây, nhưng tuổi thơ hồn nhiên của các em vẫn an lành sống và học tập tốt nơi đảo xa như giữa làng quê nhà mình. Bởi, nơi “làng quê” của các em đây cũng chính là những “pháo đài” vững chắc giữa biển khơi mênh mông.

THƯ NAM

Tin cùng chuyên mục