
Tối 24-2, vở kịch thơ “Kiều Loan” - một trong bốn kịch mục (“Kiều Loan”, “Nhà có ba chị em”, “Tiếng chuông” và “Đời cười chọn lọc”) của Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ trong chuyến “du Nam”- sẽ công diễn tại Nhà hát Kịch TPHCM. Sau 32 năm, “Kiều Loan” của thi sĩ Hoàng Cầm tái ngộ khán giả TPHCM trong màu sắc và không khí mới.
- Kiều Loan ngày ấy…

Quách Thu Phương và Xuân Tùng trong Kiều Loan.
Kiều Loan được Hoàng Cầm viết năm 20 tuổi. Với thi hứng xuất thần, ông viết liền một mạch trong 10 ngày câu chuyện về nàng Kiều Loan chờ chồng suốt 10 năm chinh chiến, rồi giả điên, rong ruổi đàn hát từ Kinh Bắc lần tìm đến kinh đô Phú Xuân tìm chồng. Bao khát khao và hy vọng nhưng đến lúc gặp thì người chồng chung thủy một lòng theo nghĩa quân Tây Sơn ngày nào đã quay lưng phò tá cho triều đại mới của Gia Long Nguyễn Ánh. Không thuyết phục được chồng trở về, nàng rút kiếm đâm chết kẻ phản bội…
Ở VN có lẽ không vở kịch nào có số phận long đong như kịch thơ Kiều Loan. Kịch bản được Hoàng Cầm hoàn thành năm 1944 nhưng bị cơ quan kiểm duyệt thực dân bác bỏ vì chỉ trích nhà Nguyễn. Sau khi nước nhà độc lập, Kiều Loan mới được công nhận nhưng vở diễn chỉ sáng đèn một đêm duy nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sau đó, do thực dân Pháp gây hấn (năm 1946) nên vở diễn đành dang dở.
Ít ai biết, vở kịch Kiều Loan còn được Ban kịch sinh viên Vạn Hạnh dựng trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định tại miền Nam trong thời điểm gian khó nhất. Vở ra mắt đêm 10-12-1974 tại Hí viện Thống Nhất, trong đó vai Kiều Loan do Diệu Hạnh – sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn- thủ vai, còn vai Vũ Quốc Thái, chồng Kiều Loan, do Lê Thanh đóng. Hai người sau đó đã nên vợ, nên chồng.
- …và bây giờ
Sau gần 60 năm, Kiều Loan được tái dựng hồi tháng 7 năm ngoái với ê-kíp trẻ và là bài tốt nghiệp của sinh viên năm cuối khoa Đạo diễn, Trường Đại học SK&ĐA- NSƯT Anh Tú. Thành công ngoài mong đợi của vở diễn đã đưa tên tuổi của Quách Thu Phương (vai Kiều Loan) có thể sánh ngang với các bậc đàn chị như Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng… Cô nhập vào nhân vật cả về sắc vóc và nghệ thuật diễn xuất.
Những câu thơ bi ai được ngân rung tự đáy lòng, cả những tiếng thơ thảng thốt trong cơn mê tỉnh của người vợ lang thang vạn dặm tìm chồng được cô thể hiện như “lên đồng”. Có lúc cô độc chiếm sân khấu hàng chục phút, gây xúc động mạnh cho khán giả. Chính vì vai diễn này, cô đã hoãn kế hoạch sinh con dù nỗi khát khao làm mẹ luôn cháy bỏng sau cuộc hôn nhân lần đầu đổ vỡ.
Các nghệ sĩ như Đức Khuê, Xuân Tùng, Duy Hậu… đều làm người xem “lịm” đi với những vần thơ đầy đủ cung bậc “hỷ, nộ, ái, ố”, khi hào sảng, lúc ngùn ngụt căm thù, rồi giận hờn trách móc… Ngoài ra, những màn múa hát dân gian đậm phong vị cổ truyền vùng Kinh Bắc được đan xen khéo léo giữa các cảnh, cùng điệu hát “Ngồi tựa mạn thuyền” khi khép lại vở diễn đã góp phần tái hiện không khí và không gian chuyện kịch. Thi sĩ Hoàng Cầm, ngoài 80 tuổi, ngồi trên xe lăn đến xem vở diễn bị đứt đoạn sau hơn nửa thế kỷ đã không cầm được nước mắt.
NSƯT Anh Tú tâm sự: “Tôi đã nhiều lần tìm đến nhà bác Hoàng Cầm để nghe bác chỉ giáo về ý tưởng kịch bản, kết cấu lại kịch bản sao cho gọn (rút bớt một số chương thơ), dàn dựng không quá nệ cổ nhưng vẫn toát lên được không khí một câu chuyện tình đẫm nước mắt giữa buổi giao tranh loạn lạc thời Trịnh - Nguyễn. Sau khi diễn thử, vở đã được chỉnh sửa về đạo cụ, phục trang và dàn dựng sân khấu trên cơ sở góp ý của các nhà chuyên môn, các đồng nghiệp... Chúng tôi rất mong bác Hoàng Cầm có mặt trong buổi diễn ra mắt khán giả TPHCM để có dịp gặp những người đã tham gia vở Kiều Loan năm nào nhưng rất tiếc vì tuổi cao, sức yếu, bác không thể đi được”.
HỒNG GIANG