Kinh tế cửa khẩu chưa như kỳ vọng - Bài 2: Các khu kinh tế cửa khẩu miền Trung - Qua rồi thời “hoàng kim”

Nói đến các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) khu vực miền Trung (giáp biên giới nước bạn Lào) phải nhắc tới Khu kinh tế thương mại (KTTM) đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) và Khu KTCK Cầu Treo (Hà Tĩnh). Trong đó, nổi bật là Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo với một thời giao thương, du lịch nhộn nhịp, nhưng nay, thời kỳ “hoàng kim” ấy đã qua.
Cổng B Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo ngày càng xuống cấp. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Cổng B Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo ngày càng xuống cấp. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Hoang tàn, buồn tẻ

Có mặt tại Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo những ngày giữa tháng 9, đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt công trình trụ sở các cơ quan, dự án trống trơn, hoang phế. Một cảnh tượng trái ngược hoàn toàn với những gì mà chúng tôi chứng kiến cách nay khoảng 10 năm.

Rảo một vòng khu KTTM được kỳ vọng nhất khu vực miền Trung, chúng tôi tính sơ sơ hơn 50% doanh nghiệp tạm đóng cửa, các dự án hoạt động cầm chừng. Đơn cử như Siêu thị Thiên Niên Kỷ có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khai trương vào năm 2009. Sau hơn 5 năm hoạt động, nay siêu thị đóng cửa, bị thu hồi và chuyển đổi công năng thành nhà kiểm tra liên hợp của Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tại Khu thương mại Lao Bảo, vốn được xem là “trái tim” Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo, từng một thời nhộn nhịp người mua kẻ bán, thu hút du khách, nay các hoạt động thương mại đìu hiu. 

Chị Nông Thị Cẩm Hiền, tiểu thương tại Trung tâm thương mại Lao Bảo, cho biết, hàng hóa ế ẩm, ngày bán, ngày không. Nhiều gian hàng phía trong đã đóng cửa, chỉ còn một số gian phía mặt tiền duy trì. Cạnh đó, tiểu thương Võ Thị Me cho biết: “Nhiều ngày không bán được mặt hàng nào nhưng vẫn phải gắng gượng. Doanh thu không đủ trả tiền thuê mặt bằng và các khoản chi phí khác nên nhiều người chấp nhận đóng quầy để chuyển sang hướng làm ăn khác. Hầu hết họ sang Lào buôn bán hoặc kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà”. 

Không chỉ tiểu thương, mà những doanh nghiệp, đại lý kinh doanh, buôn bán lớn cũng cửa đóng then cài, cơ sở vật chất xuống cấp. Hàng loạt dự án như Hào Quang Center, Duy Phát, Rồng Á Châu Center… dang dở sau một thời gian thi công. 

Một lãnh đạo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, trong số các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu thường xuyên vào Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo mấy năm qua, đa phần doanh nghiệp gom hàng từ nhiều đại lý trên cả nước và bán cho các doanh nghiệp có trụ sở tại khu KTCK này, đó là các mặt hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng… Sau đó, phần lớn số hàng hóa này thẩm lậu trở lại nội địa và một phần khác được xuất lậu sang Lào qua đường tiểu ngạch. Thủ đoạn đó không những phá rối thị trường mà ngân sách còn bị mất một khoản lớn để hoàn trả thuế GTGT, thực tế người dân trong Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo không được hưởng lợi. 

Còn ông Trương Khắc Nghi, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, cho biết, giai đoạn 2016-2020, doanh thu các dự án đầu tư tại Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo chỉ đạt 5.405,4 tỷ đồng, nộp ngân sách 459,8 tỷ đồng, riêng năm 2021 doanh thu đạt 1.301,5 tỷ đồng, nộp ngân sách chỉ 83,2 tỷ đồng. 

Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo rộng 15.804ha, gồm 5 xã và 2 thị trấn kéo dài 25km dọc theo quốc lộ 9 (Quảng Trị) được xem là mô hình kinh tế tổng hợp và là “khu phi thuế quan đặc biệt”. Thời “cực thịnh” từ năm 2010-2012, kim ngạch xuất nhập khẩu khu kinh tế này  chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới của 10 tỉnh biên giới Việt - Lào cộng lại.

* Ông TRƯƠNG KHẮC NGHI, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị:

Để phát huy tiềm năng, lợi thế Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo, cần xây dựng khu KTCK này trở thành khu vực động lực phát triển mới của tỉnh Quảng Trị, góp phần đưa Quảng Trị trở thành một điểm sáng trên hành lang kinh tế Đông - Tây, là cầu nối quan trọng giữa khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với khu vực Lào, Thái Lan và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo lập cơ sở vật chất của một khu vực hiện đại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa 2 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet (Lào) nhằm thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đang còn thiếu; hoàn thành và phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Đề án phát triển Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan (Lào); đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tuyến đường 15D để giảm tải cho quốc lộ 9 đã xuống cấp trầm trọng.

Hết ưu đãi phi thuế quan 


Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây với trục đường ngắn nhất, đảm bảo giao thông liên tục từ nội địa Việt Nam đến Lào với khoảng 240km, thuận lợi để mở rộng giao thương hàng hóa, xuất nhập khẩu, hoạt động du lịch, dịch vụ với các nước khác trong khu vực. Vậy tại sao nhiều năm qua khu kinh tế vẫn chưa phát huy được tiềm năng? Thực tế, hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh đã hạn chế rất lớn hoạt động giao thương, du lịch của khu kinh tế. Là tài xế thường xuyên chạy xe tải chở hàng tuyến Đông Hà - Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo theo quốc lộ 9 (tức hành lang kinh tế Đông - Tây), tài xế Hoàng Anh (TP Đông Hà, Quảng Trị) cho biết, tuyến đường này thường xuyên ùn tắc do tai nạn giao thông và mưa lũ gây sạt lở. Mỗi khi có tai nạn, quốc lộ 9 lại ùn tắc, khiến việc lưu thông đến vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị và thông với các nước Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo bị gián đoạn nghiêm trọng. 

Ngoài yếu tố giao thông, hạ tầng, đại diện Chi cục Hải quan Lao Bảo cho rằng, khu KTCK thuộc địa bàn miền núi nên công tác lập, triển khai quy hoạch, 

đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn; đa số là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, số lao động có tay nghề và chuyên môn chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, từ năm 2014 trở lại đây, do có sự rà soát điều chỉnh về mặt cơ chế chính sách, nhất là khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực thì Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo không còn hưởng mức ưu đãi như khu phi thuế quan nữa, mà chỉ được hưởng ưu đãi theo địa bàn và khu KTCK. Việc thay đổi chính sách làm giảm sự hấp dẫn khuyến khích đầu tư, hạn chế phát triển sản xuất kinh doanh. Một số nhà đầu tư lớn dừng hoặc rút dự án ra khỏi khu vực, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng. Đây là bất lợi lớn nhất khiến tình hình đầu tư phát triển tại khu vực trở nên khó khăn như hiện nay. 

Tương tự, Khu KTCK Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) được thành lập 2007 với diện tích gần 57.000ha, gần 15 năm đi vào hoạt động, nhờ là khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai nên những năm đầu đã thu hút một số nhà đầu tư, tạo thành một khu kinh tế năng động. Đến năm 2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực, Khu KTCK Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước. Từ đó, sự giao thương nhanh chóng lụi tàn khi hàng loạt doanh nghiệp bỏ đi, để lại phía sau nhiều công trình dang dở. Khu công nghiệp Đại Kim (nằm trong Khu KTCK Cầu Treo) với hàng chục hécta đất thu hồi của dân cũng chưa thu hút các nhà đầu tư, một số doanh nghiệp có dự án cũng dang dở, đất đai trở nên hoang hóa. Trong khi đó, hạ tầng tại khu cửa khẩu thiếu đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng; quốc lộ 8A - tuyến đường huyết mạch lên cửa khẩu Cầu Treo bị hư hỏng, xuống cấp nhiều năm chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Từ cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chọn Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu KTCK Cầu Treo là 2 trong 8 khu KTCK trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025. Với những chính sách mới về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, hy vọng 2 khu KTCK này sớm sôi động trở lại, trở thành những trọng điểm thúc đẩy kinh tế giao thương khu vực miền Trung.

Theo Bộ KH-ĐT, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khu KTCK giáp Lào đạt 1,1 tỷ USD. Các tỉnh Việt Nam giáp với Lào, nơi có khu KTCK hầu hết đều là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để phát triển, nên nhu cầu giao thương hàng hóa vẫn còn hạn chế.

Tin cùng chuyên mục