Ngày 20-3, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan thông báo đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc “Trung Quốc có thể vi phạm một số thỏa thuận thương mại” sau khi có hành động trả đũa đối với các công ty Hàn Quốc liên quan kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Tập đoàn Lotte gặp hạn
Hiện hệ thống bán lẻ tại Trung Quốc của Lotte Group, tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, đang bị tổn thất lớn khi gần 90% số cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động. Theo thống kê mới nhất của Lotte, 67 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc đã bị buộc ngừng hoạt động tạm thời kể từ ngày 19-3. Trong khi đó, khoảng 20 cửa hàng khác đã tự nguyện đóng cửa vì người dân địa phương liên tục biểu tình chống Hàn Quốc gần cửa hàng làm ảnh hưởng tới việc bán hàng. Như vậy, gần 90% trong số 99 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa tạm thời. Lotte ước tính doanh thu từ Lotte Mart có thể bị thiệt hại tới 116,1 tỷ won (102,7 triệu USD) nếu các cửa hàng tại Trung Quốc tiếp tục bị đóng cửa trong 1 tháng. Lợi nhuận kinh doanh của Lotte Mart dự kiến sụt giảm hơn nữa vì vẫn phải trả đủ lương tháng cho các nhân viên bản địa trong tháng đầu tiên các cửa hàng bị đóng cửa.
Các cửa hàng Lotte bị đóng cửa ở Trung Quốc
Trước đó, Tập đoàn Lotte đã ký thỏa thuận bàn giao một sân golf thuộc sở hữu của tập đoàn này ở huyện Seongju (Đông Nam Hàn Quốc) để chính phủ sử dụng làm nơi bố trí THAAD. Giới chuyên gia cảnh báo Lotte sẽ phải đối mặt với những nguy cơ rất lớn vì hoạt động kinh doanh của các cơ sở đặt tại Trung Quốc vốn đã trong “giới hạn đỏ” và không thể cầm cự thêm được nữa trước các lệnh cấm của chính quyền cũng như tình trạng tẩy chay của người dân sở tại. Giới quan sát công nghiệp lo ngại Lotte có thể phải tính đến khả năng rút chân khỏi nền kinh tế lớn nhất châu Á này vì những tổn thất từ việc bất ngờ phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng nói trên.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh đã mở một đường dây liên lạc trực tuyến đặc biệt để đưa ra những lời cảnh báo an toàn tới người dân Hàn Quốc trên khắp Trung Quốc.
Ngành du lịch kêu gọi cải tổ
Trước đó, Trung Quốc cũng cấm các công ty du lịch cung cấp các gói du lịch đến Hàn Quốc. Động thái này không những khiến ngành du lịch Hàn Quốc thiệt hại nặng nề mà tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực liên quan. Theo thống kê, du khách Trung Quốc chiếm 1/2 tổng số khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong năm 2016 và chi tiêu ít nhất 2.000 USD/người để mua sắm tại đây.
Trong khó khăn này, các chuyên gia kêu gọi biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội để cải tổ ngành du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Chẳng hạn, Chính phủ Hàn Quốc nên xem xét thành lập một cơ quan cấp bộ riêng phụ trách các vấn đề du lịch, đặt mục tiêu dài hạn thay vì đưa ra giải pháp tạm thời để đối phó với vấn đề trên; phát triển nhiều chương trình tour hơn đáp ứng nhu cầu của các du khách ở khu vực khác ngoài Trung Quốc như Đông Nam Á và Trung Đông. Giới chức ngành du lịch đang xem xét đơn giản hóa các thủ tục cấp thị thực cho các công dân đến từ 2 khu vực trên, đồng thời nỗ lực để đa dạng hóa du khách nước ngoài nhằm cải thiện ngành du lịch nói chung.
Chính trường Hàn Quốc cũng xuất hiện bất đồng về kế hoạch triển khai THAAD. Trong khi một số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập cho rằng, việc triển khai THAAD đã gây những thiệt hại và cần có sự nhất trí của Quốc hội thì quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn nêu bật tính khẩn cấp cần phải triển khai THAAD tại Hàn Quốc, trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên.
HẠNH CHI (tổng hợp)