Theo McKinsey&Company, có hai yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam có thể từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch gây ra. Yếu tố đầu tiên là Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong hơn 2 tháng qua. Việt Nam là quốc gia đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế sau 3 tuần đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Yếu tố thứ hai liên quan tới thị trường tiêu dùng ở Việt Nam. Chi tiêu của tầng lớp trung lưu gia tăng dẫn đến sự bùng nổ trên thị trường tiêu dùng quốc gia. Hiện chi tiêu trong nước chiếm gần 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Trong khi đó, báo cáo của Oxford Economics kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi trong 6 tháng cuối năm, do đó tăng trưởng cả năm có thể đạt 2,3%, giảm so với mức 7% của năm 2019. Bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý sự hồi phục kinh tế tại Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới, đặc biệt là những yếu tố tác động tới thương mại, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng trở lại trong quý II/2020 nhờ tiềm năng về nguồn lao động và gần gũi về địa lý với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất.