Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng không nằm ngoài hiện trạng lẫn 2 mục tiêu trọng yếu nêu trên. Kinh tế xanh với thành phố không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới mà còn là mô hình tổ chức đô thị, xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển dịch của bản chất đô thị, gia tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế, với các vấn đề nổi lên như giao thông, nước sạch, rác thải và năng lượng.
Một vài con số thống kê đặt nhiều vấn đề suy nghĩ. Mỗi ngày, TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6%-10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98kg/người/ngày. Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt thấp với các con kênh nội ô và sông Sài Gòn bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, thương mại và công nghiệp không được xử lý được thải trực tiếp ra nguồn nước mặt (tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý là 77,48%). Hệ thống giao thông nội đô của TPHCM đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy (khoảng 777 phương tiện/1.000 người vào năm 2019), và sự gia tăng của ô tô (khoảng 81 phương tiện/1.000 người vào năm 2019). Các phương tiện giao thông công cộng của thành phố, chủ yếu là xe buýt, còn hạn chế khi chỉ đáp ứng 9%-15% nhu cầu đi lại; tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện vẫn chưa được đưa vào vận hành…
Trên cơ sở nhận diện thực trạng, cả chỉ số suy giảm chất lượng môi trường và tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo thành phố đã sớm đưa vào mục tiêu điều chỉnh (có bổ sung) quy hoạch tổng thể của thành phố và quy hoạch kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Ở đó, một mặt xác lập quan điểm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên; mặt khác, gắn sự phát triển xã hội “nương” theo dòng chảy tự nhiên. Cụ thể hơn, đó là đặt sự phát triển của TPHCM trong chuỗi kết nối - phát triển vùng ĐBSCL; phát triển đô thị TPHCM ven sông hướng biển, tổng hòa với hạ tầng xanh và hình thành một vùng kinh tế biển đa ngành tầm cỡ cho toàn vùng tại tâm điểm TPHCM. Gắn các trọng điểm đô thị, đặc biệt là các không gian mang tính biểu tượng cho thành phố với mạng lưới sông ngòi kênh rạch, biến cấu trúc hạ tầng xanh trở thành những hành lang kinh tế trọng yếu.
Để hiện thực hóa nền kinh tế xanh, không chỉ bằng ý chí mà ý chí ấy được “quy đổi” bằng sự hiểu biết cả về mặt quy luật tự nhiên và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nó chấp nhận trong biên độ cho phép sự đánh đổi một cách thông minh, có trách nhiệm xã hội cao nhất. Đó chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm; mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ và chuyển đổi trong sản xuất gắn với chuyển đổi số; áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn, đạt các tiêu chí xanh, hài hòa, thân thiện với môi trường; nghiên cứu thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ carbon; đồng thời đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực nghiên cứu - phát triển và hoạt động đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên cơ sở phát huy hiệu quả và tận dụng tối đa những cơ hội, những lợi thế quan trọng do các thành tựu của các xu hướng công nghệ mới mang lại. Những điều này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam, cũng tạo lực đẩy - như phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Đưa TPHCM trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách là đầu tàu kinh tế của quốc gia!