Hệ thống phân phối tại TPHCM

Bài 1: Nơi chật chội, chỗ hoang phế

Chưa bao giờ được “lên” cấp!?
Bài 1: Nơi chật chội, chỗ hoang phế

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 10 chợ bán buôn và khoảng 200 chợ bán lẻ. Lượng hàng hóa tiêu thụ qua hệ thống các chợ tại TPHCM vẫn chiếm khoảng 50%. So với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ ở TP đang được xem là mảng tối của văn minh thương mại.

Chưa bao giờ được “lên” cấp!?

So với năm 2003 - năm đề án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2001-2010 được phê duyệt, hệ thống các chợ đã khang trang hơn vì được trùng tu, sửa chữa ít nhiều. Nhưng nhìn chung, các chợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về văn minh thương mại của TP.

Bài 1: Nơi chật chội, chỗ hoang phế ảnh 1

Cửa hàng thịt heo Vissan ở chợ Bình Tây. Ảnh: THÀNH TÂM

TPHCM hiện có 3 loại chợ: không có nhà lồng, có nhà lồng và có tầng lầu. Theo khảo sát cách đây vài năm của Sở Thương mại TP, có đến 139/186 chợ bị xuống cấp, chiếm 76,8%; 85/186 chợ không có hệ thống thoát nước, gian hàng chật hẹp...

Tại chợ Tân Định, có gian hàng bán vải chỉ chừng 1m². Nhiều chợ do đã được xây dựng quá lâu nhưng không được nâng cấp, sửa chữa kịp thời, số khác do chất lượng xây dựng kém.

Tình trạng quá tải hoặc sử dụng không hết công suất, mặt bằng kinh doanh bị bỏ trống cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuống cấp. Trước thực trạng trên, hầu hết quận- huyện đều lên kế hoạch sửa chữa và nâng cấp chợ.

Tại quận 6, nơi có 9 chợ được công nhận, có 6 chợ bị xuống cấp đã và đang được nâng cấp, sửa chữa. Tương tự, quận 3 có 3/4 chợ phải sửa chữa; quận 5 hơn 10 chợ thì có 5 chợ được sửa sang, nâng cấp…

Điều đáng lưu ý, không riêng các chợ nhỏ, hệ thống các chợ mặt tiền của TP như Bà Chiểu, Bình Tây, Tân Bình, Tân Định… cũng đang xuống cấp. Đó là chưa kể, một số chợ đầu mối vừa xây xong đã bộc lộ rất nhiều nghịch lý trong vấn đề cấp thoát nước, vô cùng nhếch nhác.

Nhưng việc nâng cấp chợ không hề là chuyện đơn giản. Đơn cử trường hợp chợ Bình Tây (quận 6). Năm 1992, chợ có dấu hiệu xuống cấp, UBND quận 6 đồng ý cho Công ty XNK Bình Tây đứng ra trùng tu, nâng cấp, xây thêm lầu mới. Với nguồn vốn do tiểu thương đóng góp từ việc mua quyền sử dụng sạp (thời hạn 20 năm) và đấu giá sạp lên tới hơn 60 tỷ đồng, ngày 20-11-1992, chợ hoàn thành việc nâng cấp nhưng chỉ hoạt động được một thời gian đã bị xuống cấp.

Cuối năm 2002, UBND quận 6 phối hợp với một số chuyên gia nước ngoài tiến hành khảo sát hiện trạng chợ, lên kế hoạch sửa chữa chợ với kinh phí là 11 tỷ đồng (thời điểm năm 2003). Tuy nhiên, từ đó cho đến nay kế hoạch này vẫn nằm trên giấy! Trao đổi với PV Báo SGGP, ngày 27-5, đại diện Phòng Kinh tế quận 6 cho hay, đến thời điểm này quận vẫn chưa tìm được phương án khả thi để sửa chữa lại phần mái ngói cho chợ. Điều này cũng đồng nghĩa, việc kinh doanh ở chợ đang bị tận thu trong khi phương án “lên đời” cho chợ còn rất mờ mịt.

Chợ có lầu - nơi bị từ chối!

Bài 1: Nơi chật chội, chỗ hoang phế ảnh 2
Co.op Cầu Kinh đã có 4 cửa hàng lớn bán lẻ ở các phường 25-26 và 27 quận Bình Thạnh. Ảnh: THÀNH TÂM

Theo điều tra của chúng tôi, tầng lầu chợ đang bị bỏ trống hoàn toàn và bỏ trống từng phần hoặc sử dụng sai mục đích từ nhiều năm qua, có thể kể đến như chợ Tân Bình (quận Tân Bình) diện tích 2.440m², Văn Thánh (quận Bình Thạnh) 2.084m², Bình Chánh (huyện Bình Chánh) 1.300m², chợ Thiếc (quận 11) 1.200m²; Phú Lâm (quận 6) 6.000m²...

Trong đó, chợ Rạch Ông (quận 8) diện tích 1.080m² dùng để làm Trung tâm văn hóa của phường 2; chợ Hòa Hưng (quận 10) 459m² cho thuê làm trung tâm thể dục thẩm mỹ; chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) dùng làm BQL chợ, sân bóng bàn…

Đó là chưa kể khá nhiều chợ không có lầu, được xây mới nhưng vẫn bỏ trống từng phần hoặc toàn phần vì không thu hút được tiểu thương vào kinh doanh. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, những chợ được thiết kế theo dạng chợ có lầu đều bị “chết” ngay từ khi đưa vào sử dụng. Tại chợ Tân Bình, ngay dưới tầng trệt, vào tháng kinh doanh thấp điểm, có khá nhiều sạp đã ngưng kinh doanh để né thuế, huống chi các hộ bán ở tầng lửng lâm vào tình trạng “dở sống, dở chết”.

Có khá nhiều lý do khiến tầng lầu bị từ chối: không phù hợp với tập quán của người dân từ bao đời qua, mua bán tiện lợi, nhanh gọn; không thích hợp khi thiết kế bằng bê tông cốt thép, “đóng” kín mít, thay vì ở “dạng mở” như chợ truyền thống. Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM Trần Đình Thọ đã nhìn nhận, sai lầm lớn nhất của TP trong việc xây dựng các ngôi chợ là thiết kế lầu.

Chuyển đổi công năng - không đơn giản!

TP Hồ Chí Minh có 20 chợ được thiết kế theo dạng “đóng”, tức chợ có từ 1 đến 4 tầng lầu, xây dựng trong những năm 1985-1995.

Trong đó, có tới 12 ngôi chợ đang bị bỏ trống hoàn toàn, từng phần hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí rất lớn.

Điều đáng lưu ý, hầu hết các ngôi chợ này đều tọa lạc ở những vị trí đẹp nhất, nhì của TP.

Trước thực trạng hàng loạt chợ đang bị bỏ trống, gây lãng phí rất lớn, từ nhiều năm qua UBND TP đã chỉ đạo cho các sở, ngành hướng dẫn các quận, huyện lên phương án chuyển đổi công năng sử dụng của các chợ có lầu như chuyển thành siêu thị, trung tâm thương mại hoặc nơi vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, thực tế từ chợ Tân Bình, một trong những chợ có vị trí thuận lợi nhất (mặt tiền đường Lý Thường Kiệt) để chuyển đổi công năng, mới thấy rằng việc xây dựng chợ có lầu là sai lầm rất khó khắc phục.

Anh Nguyễn Thượng Tín, Kế toán trưởng, Đội trưởng đội Nghiệp vụ của chợ Tân Bình, cho biết: Năm 1997, quận cho Công ty TNHH Đại Hà thuê với giá 55.000 đồng/m². Ngay sau đó, công ty này phá sản. Đến tháng 3-2004, Tổng Công ty Dệt may VN đề nghị thuê mặt bằng tầng 1 của chợ Tân Bình làm trung tâm nguyên phụ liệu dệt may nhưng đối tác này cũng “chạy” luôn.

Từ đó đến nay, việc khai thác toàn bộ tầng lầu chợ Tân Bình vẫn chưa tìm được phương án khả thi. Theo kế hoạch mới nhất của quận Tân Bình, chợ này sẽ được xây dựng lại thành trung tâm thương mại. Trên thực tế một diện tích rất lớn mặt bằng vẫn bị bỏ mặc, thi nhau xuống cấp.

Tương tự, chợ Phạm Văn Hai được xây dựng từ năm 1990, lúc đầu dự tính sẽ sắp xếp các hộ kinh doanh mỹ phẩm lên lầu, có phân thành từng quầy sạp, nhưng vì không có tiểu thương nào đăng ký nên đành phải tháo dỡ sạp, cho HTX thêu may Tân Tiến làm nơi gia công hàng hóa.

Sau 5 năm, giá thuê được nâng lên quá cao, HTX ra đi. Đến nay, có khá nhiều đơn vị đến hỏi thuê mặt bằng nhưng đều trả giá thấp hơn so với quy định nên 300m² lầu 1 của chợ biến thành sân chơi bóng bàn của nhân viên BQL chợ, đồng thời cho một số tư nhân thuê mở dịch vụ làm đẹp cho phụ nữ. Tương tự, tại chợ Thiếc, trước đây tầng lầu có diện tích lên tới hơn 1.000m² cũng bị bỏ trống, làm kho chứa cho tiểu thương và sân chơi bóng bàn cho nhân viên trong một thời gian dài...

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục