Kịp chạy nước rút?

Việc bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 đang gặp thách thức rất lớn, bởi đòi hỏi chúng ta phải tăng thật nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon, vừa phải đảm bảo phát triển nguồn điện cân đối cho các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.

Theo Quy hoạch điện VIII có tầm nhìn đến năm 2050, tổng công suất đặt các nguồn điện nói chung của Việt Nam đến năm 2030 cần phải có là hơn 150GW - cao gần gấp đôi tổng công suất hiện có. Quy hoạch cũng xác định rõ, riêng tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư mới là 30.424MW và tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi cần đầu tư khoảng 6.000MW.

Như vậy, nguồn điện khí sẽ là chủ đạo và chỉ riêng 2 nguồn này trong những năm tới dự kiến chiếm tới 50% tổng công suất điện cần bổ sung của toàn hệ thống. Việc chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng này là tất yếu, không chỉ để thực hiện đúng cam kết về trung hòa carbon đến năm 2050 (nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030) mà còn để tạo nguồn điện chạy nền ổn định và linh hoạt (điện khí có thể hỗ trợ cho điện gió, điện mặt trời trong những thời điểm bất định), để đảm bảo đủ điện cho hệ thống (khi nhiều nguồn khác đã tới hạn khai thác, như thủy điện), chính là để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tại cuộc họp về tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu này đang rất mong manh, không chắc chắn do những khó khăn, rủi ro về cơ chế, chính sách. Việc bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 đang gặp thách thức rất lớn, bởi đòi hỏi chúng ta phải tăng thật nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon, vừa phải đảm bảo phát triển nguồn điện cân đối cho các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.

Từ kinh nghiệm triển khai cho thấy, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện khí LNG khá dài. Để triển khai một nhà máy điện khí từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch đến khi có thể vận hành cần ít nhất 7-8 năm. Trong đó, thời gian lựa chọn nhà đầu tư mất 1-2 năm, hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và các văn bản pháp lý cần thiết mất khoảng 1-2 năm; đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), thu xếp vốn vay mất thêm khoảng 2-3 năm nữa (thời gian của giai đoạn này khó xác định, có độ dao động rất lớn vì phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và tài chính của nhà đầu tư và những yêu cầu cụ thể); thời gian xây dựng mất khoảng 3,5 năm nữa... Các dự án điện gió ngoài khơi cũng tốn thời gian không kém, cần ít nhất 6-8 năm từ khi khảo sát. Trong khi đó, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu trước năm 2030 phải có tổng quy mô công suất điện khí là 30.424MW, trong đó 13 dự án sử dụng LNG có tổng công suất 22.824MW. Về điện khí LNG, hiện nay có 3 vướng mắc lớn chưa được tháo gỡ gồm: cam kết bao tiêu sản lượng khí tối thiểu, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện và cơ chế mua khí phù hợp với diễn biến của thế giới. Do Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng nên hoàn toàn phải nhập LNG. Trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, giá khí hóa lỏng có thể biến động thất thường và thường chiếm 70%-80% giá thành, nếu không xây dựng được cơ chế giá phù hợp, doanh nghiệp không thể thực hiện khi họ luôn hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường được phát triển lành mạnh, đảm bảo công bằng.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công thương đã chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc để các dự án điện khí LNG có thể hoàn thành đúng tiến độ. Song, vướng mắc nhất hiện nay là các tổ chức cho vay, nhà tài trợ đưa ra yêu cầu dự án phải có Qc (sản lượng điện hợp đồng) dài hạn cho dự án thì mới đủ khả năng đảm bảo dòng tiền trả nợ. Nếu những vướng mắc này không được tháo gỡ dứt điểm, các dự án có thể bị từ chối cho vay bất cứ lúc nào, gây tổn thất cho chủ đầu tư và hệ thống điện quốc gia cũng như chắc chắn ảnh hưởng đến mục tiêu, tiến độ của Quy hoạch điện VIII.

Tin cùng chuyên mục