(SGGPO). – Chiều 5-5, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội họp báo về kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) 2016-kỳ thi tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi năm nay khác biệt về quy mô, tổ chức. Về quy mô, có khoảng 70.000 lượt thí sinh đã đăng ký và nộp lệ phí tuyển sinh đợt 1, cao gấp 1,5 lần so với đợt 1 năm 2015 (45.000 lượt). Trong đợt 1 (diễn ra từ ngày 5-5 đến ngày 8-5 và từ ngày 13-5 đến ngày 15-5) có 14 ca thi.
Trong sáng 5-5, thí sinh đã dự thi môn ngoại ngữ và dự thi ĐGNL. Cụ thể, tổng số thí sinh thi ngoại ngữ là 4.931/5.100 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm tỷ lệ 96,7%. Tổng số dự thi ĐGNL là 380/399 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm tỷ lệ 95%. Như vậy, tỷ lệ dự thi rất cao. Đáng chú ý, cả trong buổi thi sáng 5-5, chỉ có 10 thí sinh phải chuyển ca thi, trong đó có 1 thí sinh bị nhầm thứ tiếng, không có thí sinh nào bị kỷ luật.
Về tính chất, năm nay, kết quả bài thi ĐGNL có giá trị để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐHQG Hà Nội và vào các trường ĐH-CĐ không thuộc ĐHQG Hà Nội nhưng có công bố sử dụng kết quả bài thi ĐGNL và đã được ĐHQG Hà Nội đồng ý để xét tuyển. Kết quả bài thi ĐGNL được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Cụ thể, năm 2016, có thêm 8 trường ngoài ĐHQG Hà Nội cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển gồm các trường: ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Thủ Đô, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Đông Á Đà Nẵng, ĐH Hòa Bình.
Theo ông Kim Sơn, đây thực chất là một mô hình tuyển sinh theo nhóm, là điểm khác biệt so với kỳ thi ĐGNL năm 2015.
Điểm khác thứ 3 là năm nay, ĐHQG Hà Nội tổ chức làm bài thi ĐGNL ngoại ngữ trên máy tính cho cả 6 thứ tiếng (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung). Đề gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi để xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐHQG Hà Nội và vào các trường ĐH-CĐ không thuộc ĐHQG Hà Nội có công bố sử dụng kết quả bài thi ngoại ngữ để xét tuyển. Phần mềm thi môn ngoại ngữ sau thời gian thử nghiệm đã vận hành tốt.
Về cơ bản, phương thức thi vẫn giữ như năm 2015, có hoàn thiện thêm. Năm 2015, trên cơ sở số lượng thí sinh dự thi để sắp xếp số phòng, máy tính; năm nay ĐHQG Hà Nội dự phòng và bố trí hạ tầng thi cho khoảng 70.000 thí sinh.
Bộ đề thi ĐGNL đã có sự mở rộng, tổng số câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi lên đến 8.000, tính chuẩn hóa cao. Về quy trình thi, đã được tập huấn, rà soát kỹ từ khâu thiết bị đến cán bộ coi thi. Có 5% máy tính dự phòng cho mỗi ca thi.
ĐHQG Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2016 tại 7 tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, thí sinh thi tại các địa điểm các trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Thăng Long, Đại học Tài Nguyên và Môi trường, Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Ngoài ra, thí sinh sẽ thi tại các tỉnh thành: Đà Nẵng (Đại học Kiến trúc), Nghệ An (Đại học Vinh), Thanh Hóa (Đại học Hồng Đức), Hải Phòng (Đại học Hàng hải), Nam Định (Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định), Thái Nguyên (Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên).
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, khả năng đáp ứng kỳ thi vẫn có giới hạn, đơn cử đợt 1, ĐHQG Hà Nội chỉ bố trí được hạ tầng cho khoảng 70.000 thí sinh dự thi. Việc giới hạn này không tước mất quyền của thí sinh, vì vẫn còn thi đợt 2. Trường cũng linh động điều chuyển
Kỳ thi này được tổ chức từ năm 2015, trả lời câu hỏi đánh giá bước đầu về chất lượng đầu vào của kỳ thi ĐGNL, ông Sơn cho biết, chưa có đánh giá chính thức, nhưng qua cảm nhận của giáo viên cho thấy các em năng động hơn, khả năng đáp ứng các môn học tự nhiên tốt hơn.
Về kinh khí tổ chức thi, gần 1.000 máy tính sử dụng cho kỳ thi được huy động từ các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội và các trường có điểm thi, số máy tính này hàng ngày được sử dụng giảng dạy ở các trường (tổng cộng các trường thành viên có khoảng 6.000 máy tính). Vì vậy không có chuyện lãng phí trong đầu tư hạ tầng, thiết bị cho kỳ thi.
Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bộ đề thi là bí mật, không công bố, cũng không chấm phúc khảo, không công bố đáp án. Bởi đề thi được xây dựng, thử nghiệm qua 13 bước, rất kỳ công, khác biệt so với xây dựng đề thi truyền thống, vì vậy ĐHQG Hà Nội thấy không cần thiết phải công bố bộ đề thi. Trường đã huy động hơn 100 cán bộ tham gia phát triển bộ đề thi, trong đó có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, trí thức uy tín.
Chỉ tiêu của ĐHQG Hà Nội chưa tới 7.000, trong khi số thí sinh dự thi rất nhiều, nếu không sử dụng hết thì sẽ rất lãng phí. Vì vậy, ĐHQG Hà Nội hoàn toàn hoan nghênh việc có thêm nhiều trường đại học khác tham gia phương thức tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội, sử dụng kết quả thi ĐGNL, tăng tính hữu ích của kỳ thi này. “Năm 2016 này có 8 trường tham gia, chắc chắn năm sẽ đông hơn. Chúng tôi sẵn sàng chào đón các trường đại học tham gia, kể cả các trường tóp trên”, ông Sơn cho biết.
Sau khi có kết quả thi, thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến (online) qua cổng thông tin điện tử Đăng ký xét tuyển đại học chính quy năm 2016 tại địa chỉ website http://vnu.edu.vn hoặc website của các đơn vị đào tạo. Thời gian đăng ký xét tuyển đợt một từ 13-6 đến 16h30 ngày 24-6 và đợt hai từ 16-8 đến 16h30 ngày 25-8.
Kỳ thi ĐGNL đợt 1 năm 2016 sẽ được diễn ra từ ngày 5-5 đến ngày 8-5 và từ ngày 13-5 đến ngày 15-5. Đợt 2 của kỳ thi này sẽ diễn ra từ ngày 5-8 đến 15-8. Điểm đặc biệt của phương pháp thi này là mỗi thí sinh sẽ làm một đề thi riêng biệt. Mỗi đề thi của bài ĐGNL do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu nguồn gồm hai phần: bắt buộc và tự chọn. Độ khó của các câu hỏi được phân định theo tỷ lệ: 20% dễ, 60% trung bình và 20% khó. Tổng số câu thí sinh phải thực hiện là 140 câu, thời gian làm bài là 195 phút. Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc như sau: 10% trong chương trình lớp 10; 20% chương trình lớp 11; 70% chương trình lớp 12. Phần bắt buộc được chia thành hai nhánh: Tư duy định lượng và Tư duy định tính. Tư duy định lượng (kiến thức Toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi phần này có dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc điền giá trị số. Tư duy định tính (kiến thức Ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Các câu hỏi phần này đều có dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn. Với phần tự chọn, thí sinh chọn một trong hai nội dung: kiến thức Khoa học Tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc kiến thức Khoa học Xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Sau 2 phút, nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung trên, máy tính sẽ mặc định chọn Khoa học Tự nhiên. Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm thời gian hạn định là 55 phút. |
PHAN THẢO