Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất (19-5-1890 - 19-5-2010), Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”. 55 đại biểu quốc tế đã đến dự hội thảo, mang nhiều tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với con người Hồ Chí Minh và tầm vóc vĩ đại của Người.
1. GS Cốc Nguyên Dương (người Trung Quốc) năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn. Ông nói tiếng Việt sõi như người Việt.
GS tâm sự, được sang Việt Nam dự hội thảo về Bác Hồ là một vinh dự trong đời. “Sự nghiệp cả đời tôi đã gắn với Việt Nam. Một ông già năm nay đã 75 tuổi như tôi có nhớ về quá khứ, nhớ về Việt Nam cũng là điều thường thấy ở người già”, ông nói, như để rào đón cho việc nhớ lại kỷ niệm về Người của mình.
Năm 1956, ông thi đỗ vào khoa Ngôn ngữ phương Đông của Trường ĐH Bắc Kinh. “Khoa có rất nhiều thứ tiếng, nhưng tôi đã không do dự chọn tiếng Việt để theo học. Nhiều người hỏi tôi tại sao, tôi trả lời đơn giản: Tôi học tiếng Việt vì tôi luôn ước mơ, hy vọng một ngày nào đó có thể gặp được Bác Hồ. Rồi ước mơ đó đã thành hiện thực vào năm 1963, tôi được gặp Bác khi đang học ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đến giờ tôi vẫn còn nguyên cảm giác hạnh phúc khi được nhìn thấy Bác ở cự ly gần, tất cả vẫn như đang hiển hiện trước mắt tôi”, ông chia sẻ.
Ông vẫn nhớ như in kỷ niệm 20 năm về trước. “Năm 1990, tôi là đại biểu duy nhất của Trung Quốc tham dự cuộc hội thảo khoa học quốc tế nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi đã có bài phát biểu. Điều tôi không thể ngờ, sau khi phát biểu xong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến trước mặt tôi và ôm chặt lấy tôi. Năm sau, tại hội thảo quốc tế về tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức tại Calcutta của Ấn Độ, Đại tướng đã gặp tôi và nói rằng, giữa Việt Nam và Trung Quốc từng xảy ra những sự kiện không vui, nhưng những việc đó giống như đám mây đen trên trời, gió thổi bay đi thì trời xanh lại hiện ra…” và ông kể với tôi về những kỷ niệm khó quên của đời mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng giọng nói thật ấm áp.
Trong 20 năm qua, GS Cốc Nguyên Dương đã dành hết tâm huyết để vun vén cho sự giao lưu hợp tác giữa giới học thuật và giới lý luận của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2005, ông được Thủ tướng Phan Văn Khải mời tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 7 của Việt Nam. Ông cho rằng đó là những vinh dự lớn lao trong cuộc đời gắn bó với Việt Nam của mình. “Trong tâm khảm của nhân dân các nước trên thế giới, hình tượng vĩ đại của Bác Hồ, tư tưởng vinh quang của Người, di sản mà Người để lại cho nhân loại là điều mãi mãi không bao giờ thay đổi”, GS nói.
Với GS Cốc Nguyên Dương, có những điều mà bản thân ông và ông mong muốn mọi người cùng học tập, đó là tinh thần phấn đấu không ngừng suốt đời cho sự nghiệp chính nghĩa, là phẩm chất cao quý yêu mến nhân dân của Người, là tác phong sinh hoạt cần cù, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. TS E. Côbêlép, lãnh đạo Viện Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông Nga, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt cũng là một người rất giỏi tiếng Việt. Thấy tôi chăm chú nhìn cuốn sách “Đồng chí Hồ Chí Minh” trên kệ sách, ông nói ngay: “Sách của tôi đấy, sách của tôi viết về đồng chí Hồ Chí Minh đấy”. Ông kể, cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ông theo học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Và những năm 60, ông làm phóng viên của Hãng thông tấn TASS ở Việt Nam. “Tôi đã sống ở Việt Nam 5 năm và rất sung sướng vì có nhiều dịp được thấy và được nghe Bác Hồ nói chuyện”, ông nhớ lại.
Trong dòng hồi tưởng của TS E. Côbêlép, lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ là vào mùa xuân năm 1959, khi ông cùng đông đảo sinh viên Hà Nội dự ngày lao động chủ nhật trồng cây trên các bãi trống xung quanh hồ Bảy Mẫu. “Rất bất ngờ Bác Hồ cũng đến đó, chào hỏi chúng tôi rất thân mật và cùng trồng cây. Từ đó, lần nào sang thăm Hà Nội tôi cũng ghé qua hồ Bảy Mẫu để nhớ lại ngày xuân năm đó và ngắm nghía những cây xanh cao đẹp mà sinh viên Hà Nội và Bác Hồ đã trồng cách đây hơn 50 năm”, tiến sĩ nói, giọng bồi hồi.
Ký ức cảm động nhất của ông gắn liền với Bác Hồ là vào năm 1961, tại Đại hội XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô. Lần ấy, ông đã có vinh dự lớn (dù còn là sinh viên) là được dịch trực tiếp diễn văn của Người trước đại hội. “Đến nay, tôi vẫn còn nhớ rõ, do quá hồi hộp, nên khi dịch những câu đầu của bài diễn văn giọng của tôi run lên. Cũng vì tôi xúc động quá nên đã xảy ra một chuyện buồn cười. Bác Hồ đã sống và làm việc ở nước chúng tôi khoảng 6 năm nên Bác Hồ nói thạo tiếng Nga, lần ấy, vì muốn nhấn mạnh thêm tình anh em với các đại biểu đại hội, Bác đã trực tiếp nói mấy câu cuối cùng bằng tiếng Nga. Thế mà tôi, vì bất ngờ, vì hồi hộp quá nên theo phản xạ tôi đã dịch ngay mấy câu này ra tiếng Việt cho đại hội nghe”, TS hóm hỉnh kể lại kỷ niệm đáng nhớ của mình.
Ông kể tiếp, trong đại hội đó, phía Liên Xô lần đầu tiên đã tổ chức phiên dịch trực tiếp cho đoàn Việt Nam. Đoàn phiên dịch của ông có 6 người. “Sau ngày đầu, khi người ta hỏi ý kiến của đoàn Việt Nam thì Bác Hồ vừa khen vừa đánh giá từng người một. Với tôi, Bác Hồ đã nói một câu đùa vui mà cả đời tôi không bao giờ quên, “Chàng thanh niên nói như phát thanh viên có giọng Hà Nội này dịch cũng được”, ông sung sướng nhắc lại kỷ niệm của mình.
“Tôi nhớ rõ ngày 17-7-1966, có khoảng 50 máy bay tiêm kích Mỹ đã oanh tạc thủ đô và ngoại vi Hà Nội. Trong không khí vẫn còn phảng phất mùi khét của khói bom, những giờ phút nặng nề như thế, hơn bao giờ người dân thủ đô mong muốn được nghe tiếng nói hào hùng của Bác Hồ. Và thật bất ngờ với tôi là chỉ mấy phút sau khi hết giờ báo động, từ trong chiếc loa mà tôi dựng trên ban công trụ sở TASS ở phố Cao Bá Quát, đã bắt đầu vang lên giọng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyết tâm đánh thắng kẻ thù và xây dựng lại đất nước. Chính trong những ngày tháng gian nan đó, trong đầu óc tôi nảy ra ý định dứt khoát phải viết cuốn sách về Hồ Chí Minh. Đó không phải là một cuốn tiểu sử chính trị, mà là một tác phẩm có tính chất văn chương có thể hấp dẫn được đông đảo độc giả”, TS E. Côbêlép cho biết.
Với ý định đó, sau khi về nước, trong suốt mấy năm ròng, ông đã bỏ nhiều công sức để tìm kiếm hàng trăm tài liệu, với nhiều thứ tiếng khác nhau về Bác Hồ. “Hôm nay, tôi nhớ lại thời gian đó như là một giai đoạn hạnh phúc nhất của đời tôi. Bởi vì, tôi đã có cảm giác hình như mỗi ngày tôi đều được tiếp xúc thường xuyên với một người thật sự phi thường”, TS E. Côbêlép nói. Năm 1978, trong loạt sách “Cuộc sống của những người lỗi lạc” đã được Nhà xuất bản Đội cận vệ trẻ của Liên Xô xuất bản. Năm 1983, cuốn sách văn học chính luận “Hồ Chí Minh” cũng do ông soạn thảo đã được tái bản. Cuốn sách này sau đó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
TS E. Côbêlép nói, thế hệ ông vẫn còn nhớ rất rõ chuyến viếng thăm Liên Xô chính thức đầu tiên của Người vào năm 1955 với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Người bạn lớn, chân thành của nước Nga Xô Viết, người có sức lôi cuốn kỳ lạ, đặc biệt khiêm tốn và giản dị. Hình ảnh ấy của Người đã được đông đảo nhân dân Nga nhớ và vẫn giữ gìn trong trí nhớ của mình cho đến bây giờ. Ngày nay, ở nước Nga, bất cứ nơi đâu cũng có thể tìm thấy kỷ niệm về Người...”, TS E. Côbêlép nói thế để chấm dứt câu chuyện với tôi.
PHAN THẢO