Nhìn những gương mặt rạng ngời, những ánh mắt lấp lánh niềm vui của các em học sinh, càng hiểu rõ niềm kỳ vọng lớn lao của xã hội về một hành trình giáo dục, đào tạo hiệu quả để giúp các em ra đời trở thành những lớp người có ích cho đất nước.
Nhìn lại năm học 2016 - 2017, có thể thấy ngành giáo dục đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt vai trò của mình: Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng; thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông; rà soát, giảm các cuộc thi, hội thi.
Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 được tổ chức nghiêm túc. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học và Tin học đạt kết quả cao với tổng số 31 huy chương, trong đó có 14 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 4 huy chương đồng… Đó là những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, cũng như những năm học trước, sau khi kết thúc năm học, xã hội đã ghi nhận nhiều hạn chế, yếu kém; những tồn tại mang tính “thâm căn cố đế” của ngành giáo dục chưa được giải quyết, khiến phụ huynh bức xúc và hoài nghi, chưa yên tâm với chất lượng nền giáo dục nước nhà.
Điển hình là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục còn chậm, còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều.
Đổi mới thi cử vẫn còn loay hoay khi bắt đầu năm học 2017 - 2018, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục lấy ý kiến đổi mới thi cho năm 2018. Chất lượng dạy và học tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu... Tất cả những yếu kém, hạn chế đó của nền giáo dục nước nhà cũng là những bức xúc, trăn trở của toàn xã hội về công tác giáo dục trong suốt những năm qua. Chẳng thế mà một bộ phận không nhỏ người dân còn hoài nghi về chất lượng cũng như những bước đi đổi mới của ngành.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2017 - 2018 là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo giáo viên; chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT…
Như vậy, năm học mới này ngành giáo dục đã xác định khá rõ ràng các nhiệm vụ. Vấn đề còn lại chỉ là thống nhất hành động và quyết tâm thực hiện để chuyển biến tình hình. Kỳ vọng của xã hội đối với ngành giáo dục là rất nhiều, làm sao để dạy cho học sinh đạo lý làm người để trở thành những con người nhân văn, đạo đức, có kiến thức hầu mai này có thể trở thành những công dân toàn cầu, có trách nhiệm với xã hội.
Giáo dục quyết định tương lai của dân tộc. Một năm mới lại bắt đầu, chúng ta cùng mong các em HS-SV sẽ phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, duy trì kỷ cương, kỷ luật, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” để học sinh noi theo.