Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đang diễn ra là công tác nhân sự.
Theo chương trình, tại hội nghị, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Trung ương sẽ bỏ phiếu biểu quyết danh sách các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII. Đồng thời, Trung ương cũng bỏ phiếu biểu quyết đề cử các đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Theo quy trình công tác nhân sự, các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) sẽ ghi phiếu giới thiệu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Công tác cán bộ của Đảng lâu nay vẫn là nhiệm vụ cực kỳ then chốt và quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động của mình luôn chú trọng đến công tác cán bộ. Người cho rằng, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng, về đổi mới chỉnh đốn Đảng, về công tác cán bộ.
Theo đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược ở Trung ương là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm khắc phục nguy cơ hẫng hụt cán bộ cấp chiến lược và đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính nhất quán, liên thông và đồng bộ về công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch nói riêng trong toàn bộ hệ thống chính trị. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã được Đảng triển khai một cách đồng bộ, thực chất, dân chủ, công khai, minh bạch: lấy thực tế kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 làm cơ sở để hoàn chỉnh tiêu chuẩn về đánh giá và lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch; lấy quy hoạch cán bộ cấp chiến lược làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách; đồng thời, lấy quy hoạch cấp chiến lược để thúc đẩy quy hoạch cán bộ chủ chốt ở cấp dưới.
Trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ tới. Đó nhất thiết phải là người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phải là “những người ưu tú nhất trong những người ưu tú”. Tại Hội nghị lần thứ 11 được tổ chức hồi tháng 5-2015 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhấn mạnh một số tiêu chuẩn đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó, tiêu chuẩn hàng đầu là phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc. Trung ương cũng cụ thể hóa một số tiêu chuẩn như: có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, không tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng. Ngoài bản thân trong sạch, Trung ương cũng đặt ra tiêu chuẩn: không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để mưu lợi...
Có thể thấy rằng, chưa khi nào công tác nhân sự cấp chiến lược của Đảng được xác định một cách công phu, cụ thể, căn cơ như lần này. Điều đó thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng về đổi mới công tác cán bộ. Nhân dân kỳ vọng sự quyết tâm đó sẽ được hiện thực hóa để Đảng ngày càng vững mạnh. Đồng thời, thực hiện được mục tiêu “kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...” như trong kết luận tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thật sự trở thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân; có uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
MINH GIANG