Từng địa phương, cũng trên cơ sở các chỉ số mẫu bệnh phẩm xét nghiệm hàng ngày hoặc lượng người nhập cảnh do y tế dự phòng thống kê để đưa ra chính sách phù hợp.
Nhìn từ cơ sở
Điều tra, xác minh là 2 từ gắn liền với cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch. Từ lúc chưa có dịch Covid-19, những người làm công tác y tế dự phòng không quản ngại khó khăn đến từng nhà, tiếp xúc từng người để điều tra, xác minh các trường hợp bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng hay các bệnh truyền nhiễm khác. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, cũng với những công việc quen thuộc ấy, nhưng bước chân của họ lại càng thêm vội vã, căng thẳng và mệt mỏi hơn.
Ngọc Châu, nhân viên Trung tâm Y tế quận 6, TPHCM, cho biết, khi danh sách người cần điều tra, giám sát, cách ly được gửi về, hay khi có phản ánh của người dân, những thông tin từ các đơn vị trên địa bàn phường liên quan vấn đề dịch Covid-19, chị cùng đồng nghiệp lại lên đường “chiến đấu” bất kể ngày hay đêm. “Chúng tôi phải vận dụng khéo léo các biện pháp để người dân chịu hiểu và hợp tác, chịu nói hết những tâm tư của mình và quan trọng nhất là chịu nghe, chịu làm theo những gì cán bộ y tế nói. Có hôm nhận được thông báo xác minh gấp một trường hợp từ sáng sớm, nhân viên y tế đã vội vã đến ngay nhà người dân. Vừa gặp mặt, người trong nhà đã chửi tới tấp, chưa cần biết chuyện gì, phải nhờ công an “dàn xếp” êm xui rồi mới vào nhà nói chuyện. Đây cũng là chuyện bình thường mà những người làm công tác phòng chống dịch hay gặp phải, vì tâm trạng của người dân vào thời điểm này cũng khó kiểm soát. Nhân viên y tế phải tự dặn lòng giữ bình tĩnh thì mới giúp người khác bình tĩnh được”, chị Ngọc Châu cho hay.
Quảng Bình hiện triển khai mảng dự phòng khá bài bản và thành quả là chưa có ca mắc Covid-19 nào. Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình, cho biết: “Chúng tôi luôn huy động các y, bác sĩ là nam giới ra tuyến đầu, đặc biệt là Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nơi có lượng người Việt về từ Lào, Thái Lan rất lớn, có ngày vài ba ngàn người. Ngay từ cửa khẩu đã phân lập, phân loại khai báo y tế để chuyển dần về các khu cách ly. Khi các khu cách ly trong tỉnh quá đông thì báo với UBND tỉnh nhằm phối hợp với các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An “chia lửa” đón người về cách ly. Công việc rất tất bật và cán bộ y tế dự phòng cũng phải ở trong khu cách ly để hỗ trợ y tế khẩn cấp”.
Một hình ảnh khác của mảng y tế dự phòng là các viện xét nghiệm, TS Nguyễn Thanh Long, Viện Pasteur TPHCM, cho biết, lượng mẫu bệnh phẩm chuyển về càng ngày càng nhiều, áp lực lớn đối với các nhân viên xét nghiệm. Viện Pasteur TPHCM đã có các kịch bản ứng phó đầy đủ, tương ứng từ 1.000 hoặc 2.000 mẫu đến 5.000 mẫu… và sắp xếp nhân sự phù hợp để tăng ca làm việc. Toàn viện có 3 ca làm việc liên tục 24/24 giờ, với sự tham gia cả từ khoa vi sinh miễn dịch và các khoa chuyên môn khác để kịp thời thực hiện 1.000 - 2.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày từ 22 tỉnh thành phía Nam chuyển đến. Đây đều là các chuyên gia, kỹ thuật viên “thiện xạ” nhất, được đào tạo bài bản. Làm trong môi trường nguy hiểm đòi hỏi phải tập trung cao độ, không để xảy ra sai sót. “Để có được những mẫu bệnh phẩm chuyển về phòng thí nghiệm tìm virus SAR-CoV-2, ngoài việc đến các khu cách ly, những nhân viên, kỹ thuật viên lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương còn phải ngày đêm gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, đến tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm của những người từ nước ngoài về chưa khai báo y tế, để không bỏ sót một nguồn lây nhiễm nào”, TS Nguyễn Thanh Long cho hay.
Phòng tuyến vững chãi
GS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, nhìn nhận: Công tác y tế dự phòng nói chung và công tác phòng chống dịch nói riêng là vô cùng quan trọng, đóng vai trò là phòng tuyến vững chãi bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả với các quốc gia phát triển. Vấn đề là chúng ta nắm bắt được thông tin, giám sát phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kiên quyết, kịp thời, hiệu quả để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Vẫn theo GS-TS Trần Đắc Phu, đối với dịch Covid-19, ngay từ khi Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh thì từ cuối năm ngoái, hệ thống y tế dự phòng đã chủ động cập nhật thông tin tại một số quốc gia có dịch để tham mưu cho Bộ Y tế cùng các bộ, ngành chức năng sớm xây dựng được các kịch bản, tình huống ứng phó với dịch bệnh này. Cùng với đó, chúng ta chủ động từ khâu giám sát. Ví dụ hiện nay ngành y tế luôn triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm một số bệnh quan trọng như dịch cúm để xác định sự lưu hành hoặc xuất hiện những trường hợp cúm mới xuất hiện, giám sát các trường hợp viêm phổi nặng để phát hiện những bệnh mới nổi, mới phát sinh, đồng thời giám sát nguy cơ. Thêm nữa, phải tập trung nghiên cứu, điều tra làm rõ các yếu tố dịch tễ như: nguồn bệnh, sự phát sinh, lây lan, phát triển dịch bệnh...
Từ đó, chúng ta cần có hướng dẫn giám sát, phòng chống, xử lý ổ dịch cũng như phác đồ điều trị bệnh một cách khoa học và hiệu quả nhưng đồng thời phải phù hợp với hoàn cảnh của nước ta. Đặc biệt, tuyến trên cũng phải hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết; phải thể hiện tốt việc phối hợp liên ngành với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp.
Dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng nên khoanh vùng một cộng đồng để cách ly là rất quan trọng. Tuy nhiên, GS-TS Trần Đắc Phu cho rằng, quyết định quy mô vùng cách ly phải dựa trên bằng chứng khoa học về dịch tễ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về tổ chức cách ly. Quy mô lây nhiễm đến đâu thì tổ chức cách ly, khoanh vùng đến đó. Tránh tình trạng lo lắng thái quá, quyết định thái quá. Đối với các địa phương, vai trò của các trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế trong việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành quyết định khoanh vùng cách ly y tế là rất quan trọng. Căn cứ để tham mưu trước hết phải dựa vào hướng dẫn của Bộ Y tế về thực hiện cách ly y tế tại vùng có dịch. Bên cạnh đó, còn cần phải căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để xác định quy mô cách ly một cụm dân cư, một tổ dân phố, một dãy phố hoặc một tòa chung cư, hay một cơ quan, đơn vị. Nói cách khác là chúng ta phải cố gắng khoanh vùng dịch như đốm lửa nhỏ, không để đến lúc thành ngọn lửa lớn thì lúc đó rất khó khống chế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhìn nhận: “Nhân viên y tế dự phòng là người trực tiếp tiếp cận với các nguồn bệnh. Nhưng họ đã tuân thủ theo nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Đấy là công thức chung của cả nước. Vì vậy, dù dịch Covid-19 đang lan rộng trên thế giới với số người mắc, tử vong tăng cao hàng ngày tại nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam chúng ta vẫn đang kiểm soát, kiềm chế rất tốt tốc độ lây lan của dịch bệnh nguy hiểm. Từ những kết quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay chính là dịp để chúng ta nhìn lại vai trò của y tế dự phòng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của y tế dự phòng, cần quan tâm hơn nữa tới công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ, chính sách và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị, nghiên cứu khoa học”. |