Trở về từ Trường Sa sau hơn 3 tháng lao động, sáng tác miệt mài, họa sĩ Thu Thủy, chủ nhân của ý tưởng xây dựng lá cờ gắn gốm khổng lồ trên đảo Trường Sa Lớn đã không giấu giếm niềm tự hào khi hoàn tất sứ mệnh “nối dài” con đường gốm sứ ra tới đảo xa. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ của Việt Nam nổi bật trên nền cây cối xanh tươi của Trường Sa Lớn như một sự khẳng định chủ quyền không thể chối cãi trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
* Phóng viên: Ý tưởng gì khiến chị bắt tay vào thực hiện công trình nghệ thuật giàu ý nghĩa này nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc?
* Họa sĩ THU THỦY: Thời gian qua, khu vực biển Đông có nhiều biến động. Tôi cũng như các công dân Việt Nam đều hướng suy nghĩ của mình về hệ thống đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi đã nảy ra ý tưởng làm một lá cờ Tổ quốc bằng gốm cỡ lớn trên bề mặt đảo Trường Sa Lớn, để từ trên không trung (vệ tinh, Google Earth và máy bay) tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Nam trên đảo của Việt Nam. Thật vô cùng hạnh phúc và tự hào khi nhận được ý kiến ủng hộ từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
* Chị triển khai ý tưởng ra sao?
* Ý tưởng hình thành từ tháng 7-2011 và tháng 12-2011, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tạo điều kiện cho tôi và một thành viên nữa của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội ra đảo Trường Sa Lớn để khảo sát vị trí đặt cờ Tổ quốc và tranh gốm. Công trình được chấp thuận triển khai với phương thức xã hội hóa và tôi đã rất may mắn khi Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) nhận đỡ đầu dự án. Tất cả chúng tôi đều thấy tự hào vì đang được đóng góp cho Trường Sa và Tổ quốc thân yêu! Bắt đầu từ cuối tháng 2-2012, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã bắt đầu triển khai làm gốm ở Bát Tràng và ghép tranh gốm, cờ Tổ quốc ở xưởng 39A Hồng Hà, nơi chúng tôi đã từng ghép tranh gốm cho Con đường Gốm sứ.
* Kinh nghiệm từ việc thực hiện thành công bức tranh gắn gốm dài nhất thế giới, và bộ ấm trà gắn gốm lớn nhất Việt Nam có giúp ích nhiều cho chị trong việc thực hiện tác phẩm kỷ lục này?
* Điều khác biệt và cũng là khó khăn lớn nhất của các nghệ sĩ với tác phẩm này chính là vấn đề vận chuyển. Bức tranh gốm được cắt thành các tấm 1m x 1m, xếp chồng lên nhau và đóng gói kỹ trong các bao ni lông và thùng gỗ. Không như những lần trước đây, các tác phẩm gốm phải vượt gần 2.000km đường bộ sau đó tập kết tại hai điểm lớn là Cam Ranh và Cát Lái trước khi xếp lên tàu ra đảo.
Tôi đã từng ra Trường Sa vào mùa biển động và hiểu rõ tàu sẽ va lắc mạnh thế nào trước mỗi cơn sóng dữ. Vì thế, những miếng tranh gốm không chỉ được bọc kín trong nilon tránh nước biển xâm nhập mà còn được chèn xốp rất kỹ để không bị trầy vỡ. Mỗi kiện gốm được chuyển an toàn ra đảo là một lần chúng tôi trút được gánh nặng trên vai. 94 kiện với hàng trăm tấm gốm đã được ghép công phu từ Hà Nội được đưa dần ra đảo trên 5 chuyến tàu hải quân.
* Liệu cái nắng, gió và hơi biển mặn mòi của Trường Sa, có ảnh hưởng tới tính bền vững của những tác phẩm gốm sứ?
* Tôi đã có những nghiên cứu về độ bền của men gốm khi tiếp xúc với muối biển qua các cuộc khai quật khảo cổ những con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Cau (Vũng Tàu), Hòn Dầm (Kiên Giang), Bình Thuận. Sau nhiều thể nghiệm, gốm phủ men nặng lửa màu đỏ tươi sẽ đảm bảo chịu được mưa nắng ngoài trời, độ mặn của muối biển và không bị bay màu. Thêm nữa, trước khi triển khai công trình này, chúng tôi cũng đã tìm hiểu và lựa chọn nhiều loại chất liệu kết dính chống muối biển ăn mòn và cuối cùng loại xi măng chịu mặn của Bộ Quốc phòng đã đạt được tiêu chuẩn như chúng tôi mong muốn.
Với diện tích lớn tới 310m², lá cờ gắn gốm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mang tính khẳng định chủ quyền mà còn được sử dụng như một bề mặt thu nước mưa khổng lồ góp phần tích trữ nước ngọt trên đảo. Chỉ khi ra đến đảo bạn mới hiểu được giá trị của việc tích trữ nước mưa như thế nào, chúng tôi càng cảm thấy rất vui khi công trình đã hoàn thành.
THU HÀ