
Làng Lạc Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình được dân địa phương gọi là làng Lạc. Cái tên làng Lạc xuất hiện với lý do làng chẳng có gì ngoài khó khăn, ngay cả trong mùa Euro, toàn hành tinh nức lòng với trái bóng thì làng Lạc vẫn buồn đến heo hút. Những ngày này vào làng Lạc, cứ ngỡ như lạc vào mảnh làng lạc hậu từ mấy chục năm trước của thế kỷ hai mươi.
Euro là... cái chi?

Đường vào làng Lạc.
Muốn vào làng Lạc phải vượt quốc lộ 12A, lên cầu Minh Cầm, xuống nguồn sông Gianh, đi thuyền máy khoảng 30 phút trên sông Rào Trổ sẽ đến được làng Lạc. Đường duy nhất thuận tiện vào làng Lạc là đường sông nên người làng ít ra với thế giới bên ngoài vì đò giang cách trở, chi phí đi lại đắt đỏ nên khi cần kíp việc gì, họ mới chịu khó lên thuyền máy, còn không, quanh năm làm bạn với ruộng vườn.
Thấy có người lạ vào nhà Bí thư chi bộ thôn Trần Bá Cư, hàng xóm lum xum chạy sang, bắt tay tự giới thiệu là mệ Hiền, chú Hòa, thím Lệ... Họ nói lâu lắm mới thấy có người vô làng chơi nên… thích. Mệ Hiền vồn vã: “Biết mấy chú vô gặp lãnh đạo thôn nhưng bầy tui thích nghe nói chuyện nên qua đây góp vui, ở nhà chẳng biết nói với ai, với lại lâu lắm rồi làng không có khách”.
Bí thư chi bộ thôn Trần Bá Cư kể: “Chú nói chuyện… ơ-rô (Euro) thì xin thưa làng tui chẳng ai biết ơ-rô một cách tỏ tường. Chỉ biết đó là nơi nhiều người gặp nhau, tranh giành một trái bóng, khoắng lên rồi đá qua đá lại. Nói rứa, có chi sai, mong chú đừng cười, người làng tui biết ơ-rô như rứa. Mà rứa thì chẳng biết ơ-rô là cái chi chú hè. Tui còn nhớ mùa ơ-rô trước xuống Đồng Hới họp, được xem trận chung kết, nghe mấy người bạn giải thích cúp ơ-rô là đá bóng châu Âu. Đó là lần đầu tiên trong đời, tui biết ơ-rô. Xem xong, họp một ngày rồi về, kể toáng cho cả làng, ai cũng nghe như nuốt từng lời. Nhưng cuối cùng họ lại phán… chẳng biết chi, chỉ thích và tò mò không biết răng hai đội cứ tranh chắc (nhau) một quả bóng. Tui nói đó là trò chơi, là niềm vui của họ, không giải thích chi thêm nữa. Người làng chưa phục. Họ bĩu môi: Rứa mà cũng nói. Tui đuối lý. Không nói nữa. Im”. Chú Hòa xen vô: “Úi chà. Eng (anh) kể rứa thì không biết thiệt nhưng thấy cũng lạ”.

Để biết Euro, Bí thư Cư thường dùng rađiô.
Câu chuyện của chúng tôi với mọi người xung quanh trái bóng dần chuyển qua hoàn cảnh của làng. Làng Lạc của mệ Hiền, chú Hòa, thím Lệ, của Bí thư Cư… nằm lọt thỏm giữa hai bề núi, hai bề sông, vậy nên chuyện giải trí ở làng thua đứt với mấy làng còn lại của xã dọc đường 12A. Cũng vì thế mà Bí thư Cư thổ lộ: “Có người biết bì bỏm cúp ơ-rô như tui rất hiếm, thuộc dạng “đại tài” trong làng rồi”.
Từ trước tới nay, làng Lạc chỉ có 2 cái ti vi đen trắng, một của nhà ông Loan, một của nhà Bí thư Cư. Nhưng cái của ông Cư đã hỏng do vợ con xem phim quá nhiều, không đủ tiền thuê đò đi xạc bình điện ngoài trung tâm xã, cứ ba ngày xạc một lần, mỗi bận hết hai ngàn tiền điện, mười lăm ngàn tiền đò. Theo ông Cư: “Rứa là vượt sức của người làng Lạc bầy tui nên thôi. Mà cũng không biết răng, khi tính ra tiền công cán thuê đò ra xạc bình đắt rứa thì cái ti vi cũng dở chứng lăn đùng ra hỏng.
Chừ còn cái ti vi của nhà ông Loan, nhưng chẳng bắt được sóng của đài tỉnh, đài trung ương cũng chịu, nổi mè dữ lắm, vùng ni sóng yếu, tải không nổi hình nên làng đành bó tay, chẳng phục vụ được cho dân. Ai mê bóng đá, phải chịu khó nghe mấy cái rađiô cũ rích, mỗi lần mở phải lấy tay tát mạnh nó mới nghe được. Còn không thích nghe, cứ đến túi chạng vạng vô màn ngủ. Con trai con gái tới tuổi cưa kéo thì dắt nhau ra bờ sông nói mấy câu rồi lại ước: biết khi mô làng mình có điện để con cái sau ni có văn minh. Ước thì ước rứa, túi về vẫn chịu cảnh… túi thui”.
Nỗi lòng làng “nhiều không”

Ti vi đen trắng được sắm ra nhưng bắt tín hiệu khi được khi mất ở Lạc.
Khi nói chuyện cụ thể của làng, Bí thư Cư rành rọt: “Làm việc với nhà báo phải có sổ sách mới nói chuyện tường tận”. Ông vào nhà lần tìm ở góc tủ cuốn sổ ố vàng rồi bắt đầu: “Làng tui có diện tích đất thổ cư 65ha. Có 4,26ha lúa, 3ha đất trồng khoai chống đói, 3ha trồng dâu nuôi tằm nhưng trận lũ lịch sử năm 2007 cuốn đứt một hécta rồi.
Dân tui có hơn 21ha rừng thông nhựa, 16ha rừng tràm chưa khai thác. Đây là cái vốn dân cất trên núi để sau ni nếu có tai ương thì bán kiếm tiền nuôi thân. Làng tui có 35 hộ nhưng đẻ đái tới 150 khẩu. Không có chi đẻ bằng người, may ra trâu bò có 130 con, gần bằng dân số làng.
Sơ qua rứa để chú biết, còn thân phận làng tui thì như như ri; không điện, không trường, không đường, không trạm, ở vùng heo hút khó khăn nhưng cũng không được hỗ trợ 135, xin mãi, mỏi cả miệng cũng chẳng được trên duyệt. Rứa là dân tiu nghỉu”. Thím Lệ thêm vào: “Làng sống biệt lập, tìm mãi chẳng có được ai mần chân y tế thôn, cuối cùng cả làng cùng liều bầu chị Phương, xóm trên làm y tế thôn. Tui nói liều là vì chị nớ chưa học qua lớp mô về y tế thôn bản cả. Nhưng chẳng biết có ai nên cả làng cùng chấp nhận. Sắp tới chị Phương được xã cử đi học, nghe tin, cả làng mừng hung chú nở”.
"…Làng tui có 35 hộ với 150 khẩu, trâu bò có 130 con, gần bằng dân số làng. Sơ qua rứa để chú biết, còn thân phận làng tui thì như ri; không điện, không trường, không đường, không trạm..." |
Cư dân ở Lạc ngày nay không biết đời tổ tiên thành lập làng từ lúc nào, họ chỉ biết sinh ra đã thấy làng như thế nên cần mẫn sống chung với triền miên nhiều không. Khó, nên họ tất bật bươn chải, cật lực mãi cũng làm ra 392kg thóc/người/năm. Từng đó thóc không đủ ăn trong năm, trong lúc bấu víu với nhau thì người làng Lạc đón nhận hàng chục đàn ong mật bay về mỗi nhà trong thôn làm tổ. Theo lời Bí thư Cư: “Chính xác là bốn chục tổ ong rừng về làm mật giúp dân. Tính ra mỗi hộ được hơn một tổ ong. Mật ngon nên dân miền xuôi thích. Dân tui bán được đồng vô đồng ra để có tiền mua thêm gạo. Đúng là trời cho. Mừng hung!”.
Sống ở mảnh làng “nhiều không”, người làng Lạc chỉ sắm sanh được vài chiếc xe đạp cho con nít tập để sau này chúng lớn lên, ra ngoài xã hội khỏi đi bộ. Riêng xe máy, chẳng nhà nào mua nổi, Bí thư Cư nói: “Xe máy? Chẳng dám mơ nữa là mua. Tiền mô. Làng bần hàn ri lấy chi mua. Ăn còn lo thiếu, ước chi xa xỉ rứa”.
Làng một cử nhân

Công trình lớn nhất ở Lạc là nhà văn hóa thôn 50 triệu đồng.
Nói về sự học, Bí thư Cư kể: “Chỉ có 15 học sinh các cấp, cấp ba được hai cháu, cấp hai được chín cháu, còn lại cấp một, không có đứa mô học mẫu giáo hết, vì làng không có giáo viên mầm non, mà có giáo viên mầm non thì thôn cũng chịu đường trả lương do chẳng có nguồn, rứa nên trẻ con chịu khó lớn lên đủ tuổi ra trung tâm xã học lớp một. Nhiều đứa có sức thì đi học, không đủ sức là chúng rụng dần con chữ, lên cấp ba chỉ còn lại vài em, hiếm đáo để”.
Làng Lạc từ thuở xưa đến nay chỉ có một người học được đại học là cô giáo Hiền, hiện dạy tại Trường cấp 3 Phan Bội Châu - huyện Tuyên Hóa. Trong hơn 50 năm qua, làng Lạc chứng kiến hai sự kiện lớn nhất của làng là việc cô giáo Hiền đậu đại học Quy Nhơn và trên cho thôn xây nhà văn hóa trị giá 50 triệu đồng. Ngày cô giáo Hiền biết tin đậu đại học, cả làng vui như hội, người nào cũng góp gạo ăn mừng chia vui. Khi Hiền đi học, làng lại chèo thuyền ra tới đường 12A tiễn cô lên đường, dặn dò nhớ học xong về dạy chữ cho dân làng bớt khổ…
Những ngày hè ở làng Lạc cứ oi nắng đến lạ. Nắng bức bí không khí khắp làng. Điện đóm không có nên mỗi con dân của làng cứ phe phẩy cái mo cau làm quạt. Họ đã làm thế không biết bao nhiêu năm rồi, mà tương lai họ cũng phải dùng mo cau làm quạt, vì phải lâu nữa mới xin được điện về làng. Chia tay, Bí thư Cư nhắc lại sự tình của làng trong ánh cười nước mắt: “Trước mắt, có yêu đương, cưới hỏi hay sinh đẻ hay ước mơ chi thì cũng phải chịu cảnh không điện, không đường, không trường, không trạm”. Mệ Hiền, thím Lệ, chú Hòa cứ cầm tay chúng tôi thật chặt nói: “Mần răng giúp làng tui nghe. Giúp được, cả làng mừng hung, biết ơn hung”.
Minh Phong