Mấy ngày qua, chuyện tháo dỡ những căn nhà xây không phép ở huyện Bình Chánh (TPHCM) trở thành tâm điểm dư luận. Trước đó, người ta giật mình khi Báo SGGP phản ánh chỉ trong thời gian ngắn mà có đến vài trăm căn nhà đã ngang nhiên mọc lên. Dư luận lên tiếng, các đại biểu HĐND TPHCM phản ứng trên diễn đàn và chính quyền cơ sở mới chuyển động, tiến hành rà soát, chấn chỉnh. Trễ còn hơn không. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đó.
Sáng qua, uống cà phê với một cư dân ở Vĩnh Lộc A, mới biết được nhiều việc. Anh nói: “Mấy tháng trước, ở Vĩnh Lộc người ta xây nhà rần rần, nhà lầu 2 tầng hẳn hoi, điện, nước đầy đủ, đừng nói là không biết. Chỉ tội là không phép thôi”. Cũng theo lời anh, dù không được phép xây dựng nhưng giá đất ở đây không vì thế mà giảm, “biết chạy là được” nên nhiều người đổ xô về đây, thản nhiên mua đất cất nhà, “bây giờ lại đập, đúng là tiền thành mây khói”. Nhớ lại trước đây, TPHCM đã kiên quyết ra lệnh tháo dỡ hàng chục căn nhà không phép ngang nhiên mọc lên ở quận Tân Bình. Những tưởng đây là bài học cho những ai “liều mình”, thế mà bây giờ chuyện này lại lặp lại ở Bình Chánh.
Kỷ cương phép nước nên chuyện tháo dỡ nhà xây không phép được nhiều người đồng tình, dẫu cho “của đau con xót”. Vấn đề dư luận quan tâm là thế lực ngầm nào đứng đằng sau việc xây dựng những căn nhà này. Trong một bài báo đăng trên Báo SGGP trước đây, một lãnh đạo ở huyện Bình Chánh cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do có “lỗ hổng” trong thời điểm xóa lực lượng thanh tra xây dựng phường, xã. Cách trả lời này xem chừng không thuyết phục, bởi lẽ dẫu không có lực lượng thanh tra xây dựng thì vẫn còn nguyên đó lực lượng công an xã, ấp, chi bộ khu phố…, lẽ nào không biết? Hơn nữa, những căn nhà xây không phép đâu phải là cái chòi lá mong manh, mà là nhà lầu, đổ tấm hẳn hoi, có điện nước đầy đủ.
Một bà chị cùng ngồi nghe anh bạn ở Vĩnh Lộc A kể chuyện, tỏ vẻ không đồng tình: “Ở nội thành, chỉ cần thấy xe ba bánh chở đá 2x3 là một hồi “mấy ổng” mò vô tới nơi rồi, đừng nói xây nhà lầu không phép mà không ai biết”. Ngay ở nội thành, nếu xây không phép, chính quyền địa phương ngoài chuyện lập biên bản, còn có thể yêu cầu ngành điện, nước tiến hành cắt điện, nước để chủ hộ không thể thi công. Rõ ràng, nói không biết, đúng là chuyện “lạc đà chui qua lỗ kim”! Còn nếu cho rằng các hộ xây nhà không phép “qua mặt cơ quan chức năng”, xét cho cùng là cách nói… khôi hài, chẳng khác gì chính quyền địa phương chẳng biết gì trong quản lý địa bàn!
Vừa qua, Báo SGGP đã đăng loạt bài về bia ôm thác loạn ở quận Bình Thạnh (TPHCM). TP chỉ đạo, chính quyền địa phương đã khẩn trương rà soát, quyết liệt chấn chỉnh, và nhiều cá nhân, đơn vị đã bước đầu bị xử lý. Thái độ này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Ở đây cũng vậy, người dân bị tháo dỡ nhà, đau, nhưng không có cách nào khác, vì đó là phép nước. Khởi tố một vài “ông trùm” xây dựng là động thái ban đầu “sửa sai”, nhưng chưa đủ. Dư luận đòi hỏi phải nhận diện đúng và nghiêm trị những cán bộ tiêu cực, làm lơ cho việc cất nhà trái phép. Không thể nói “chưa đủ cơ sở kết luận có tiêu cực” vì chuyện xây nhà trái phép như hai năm rõ mười, không che giấu được ai.
Cũng khó chấp nhận cách nói “có thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, quản lý địa phương” theo bản kiểm điểm của 7 bí thư và chủ tịch của 4 xã (Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên và Bình Hưng). Không phải là vạch lá tìm sâu, nhưng nghiêm túc lắng nghe dư luận, chấn chỉnh nội bộ, kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn, không xuề xòa, vị nể dù là cán bộ ở cấp nào, thì chắc chắn người dân có bị tháo dỡ nhà cũng vui lòng, dư luận đồng thuận. Nếu không, sau này sẽ còn tái diễn những Vĩnh Lộc A, Tân Kiên… ở những địa bàn khác.
THƯ LÊ