Làm gì khi bị “ép” học thêm?

Một phụ huynh có con học lớp 9 ở một trường THCS quận 10 phản ánh rằng thầy giáo môn Toán của con mình lên lớp dạy cho có, thiếu tâm huyết và học sinh thường không hiểu bài. Nếu học sinh nào nêu ý kiến là không hiểu bài thì thầy nói thẳng là đến nhà thầy học thêm sẽ hiểu bài kỹ hơn. Kết quả là cả lớp đều phải đến nhà thầy học thêm môn Toán theo nghĩa “tự nguyện” với học phí 500.000 đồng/tháng.

Tương tự, một phụ huynh có con học lớp 6 ở một trường THCS có thương hiệu ở quận 5 cũng than rằng không cho con theo học thêm ở chỗ thầy thì đến lớp luôn bị chê cách giải bài không đúng và nhận điểm không cao. Vì thế, dù con mình học tốt, nắm vững kiến thức môn Toán nhưng chị đành phải cho con học thêm nhà thầy cho yên chuyện.

Không thể phủ nhận trên thực tế, dạy thêm, học thêm vẫn là một nhu cầu của xã hội và hiện vẫn phát triển rầm rộ. Thế nhưng, nếu thầy cô dạy giỏi thu hút học sinh tự nguyện đến học thì không nói làm gì. Đằng này nhiều giáo viên núp bóng dạy thêm thường ép buộc học trò của mình đến học thì ai kiểm soát? Mặc dù, Sở GD-ĐT TPHCM đã có quy định cấm giáo viên dạy học sinh chính khóa của mình, nhưng trên thực tế, rất nhiều em phải “tự nguyện” đến học thầy vì không thể làm khác. Theo nhiều phụ huynh, họ ngại tố giác vì sợ có thể học sinh bị “đì”. Theo nhiều hiệu trưởng, để có cơ sở chấn chỉnh giáo viên lôi kéo, ép buộc học sinh học thêm bằng mọi giá thì phụ huynh phải mạnh dạn phản ánh, nói ra sự thật. Và đã có hiệu trưởng mạnh tay xử lý giáo viên ép buộc học trò học thêm. Thế nhưng, sự ra tay này chưa nhiều vì phụ huynh và học sinh không dám nói ra sự thật “bị ép buộc trên tinh thần tự nguyện”.

Dạy thêm, học thêm nếu không xuất phát từ nhu cầu có thật và cần thiết thì sẽ giết chết sự sáng tạo, tự học của học trò. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng học sinh thời nay thụ động, ít năng động là do học thêm quá nhiều, không biết cách tư duy, động não. Do quen được dọn sẵn “thực đơn” - bài giảng có sẵn và bước theo bóng thầy cô nên các em không thể sáng tạo trong cách làm bài, tìm hướng đi riêng. Còn đối với giáo viên, khi họ đã trút hết sinh lực cho việc dạy thêm, dạy 2 - 3 ca thì khi lên lớp có đủ sức lực, tâm huyết để dạy học sinh chính khóa?

Hiện các cấp quản lý đang lúng túng trong việc quản lý dạy thêm, học thêm và việc các hiệu trưởng không nắm được giáo viên của mình đang ép trò học thêm bằng mọi cách là có thật. Làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm đang biến tướng, làm khổ học sinh, phụ huynh?.

HUYỀN TRÂN

Tin cùng chuyên mục