Làm gì khi bị oan sai?

Từ “oan sai” có thể được hiểu thoáng là trong quá trình hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, người thi hành công vụ có những quyết định, hành vi sai lầm, làm thiệt hại quyền và lợi ích của người dân. Vậy khi bị oan sai, người dân có thể làm gì để tự bảo vệ mình?

Nắm rõ được rủi ro trong quá trình quản lý, cũng như mong muốn có một cơ chế rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho người bị oan sai, Quốc hội đã ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhằm điều chỉnh những vấn đề này. Theo quy định của luật này, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, sẽ được nhà nước bồi thường. Bên cạnh việc có quyền gửi đơn khiếu nại và yêu cầu nhà nước bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại còn có quyền yêu cầu khôi phục danh dự theo quy định pháp luật; yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án giải quyết và thông báo việc giải quyết bồi thường; khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng; yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Người bị thiệt hại có nghĩa vụ phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu giải quyết bồi thường và phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra. Để có thể xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan nhà nước đối với từng lĩnh vực quản lý, người bị hại phải cung cấp được các căn cứ cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình. Cụ thể, đối với việc xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, người bị thiệt hại phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật. Còn đối với việc xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, người bị thiệt hại phải có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đối với cả hai trường hợp trên, người bị hại phải có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra cho người bị thiệt hại.

Không phải trong mọi trường hợp nhà nước đều có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Đối với những trường hợp thiệt hại thực tế là do lỗi của người bị thiệt hại gây ra, hoặc người bị thiệt hại che giấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc, thì nhà nước sẽ không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, đối với những thiệt hại thực tế cho người bị thiệt hại là do tình thế cấp thiết, hoặc sự kiện bất khả kháng gây ra, nhà nước cũng không có nghĩa vụ bồi thường.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng Luật sư PHAN LAW VIETNAM)

Tin cùng chuyên mục