Làm sao để những “ký ức” ít bị tổn hại nhất

LTS: Bảo tồn hay không, cái gì nên bảo tồn, cái gì cần phải hiện đại... luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà quy hoạch phát triển đô thị với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử... SGGP thứ bảy trích đăng ý kiến của ông Nguyễn Minh Hiếu, Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, xung quanh vấn đề này. Đồng thời SGGP thứ bảy cũng mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến của giới học giả, bạn đọc... để những nhà làm quy hoạch, chính sách có thêm thông tin tham khảo. Ý kiến đóng góp gửi về email:
Làm sao để những “ký ức” ít bị tổn hại nhất

LTS: Bảo tồn hay không, cái gì nên bảo tồn, cái gì cần phải hiện đại... luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà quy hoạch phát triển đô thị với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử... SGGP thứ bảy trích đăng ý kiến của ông Nguyễn Minh Hiếu, Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, xung quanh vấn đề này. Đồng thời SGGP thứ bảy cũng mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến của giới học giả, bạn đọc... để những nhà làm quy hoạch, chính sách có thêm thông tin tham khảo. Ý kiến đóng góp gửi về email: tuansansggp@gmail.com. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý bạn đọc.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Hội Khoa học Lịch sử TPHCM

Không riêng gì Sài Gòn mà bất kỳ thành phố nào trên thế giới trong quá trình đô thị hóa đều phải đối diện vấn đề cái cũ, cái mới. Vậy nên theo tôi, chính quyền thành phố rất cần cân nhắc chín chắn, dựa trên sự tổng hòa các lợi ích của người dân, cộng với việc bảo tồn các giá trị kiến trúc cũ mà ông cha để lại vốn đã ăn sâu vào ký ức của người dân là điều cần thiết. Ngoài ra, cư dân Sài Gòn ngày càng đông, nhu cầu ngày càng đa dạng nên việc giữ cái gì, xây dựng cái gì cũng cần sự đánh giá, lựa chọn nhiều chiều, chứ không chỉ một chiều, áp đặt. Và đôi khi chúng ta cũng buộc phải hy sinh những cái cũ để có một thành phố mới, hiện đại. Nói chung, thành phố cần được quy hoạch một cách tổng thể trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó xác định nên bảo tồn cái gì, hy sinh cái gì. Khắp nơi trên thế giới người ta cũng vừa giữ gìn cái cũ, vừa phát triển cái mới song song đấy thôi. Hơn nữa, Sài Gòn xưa, TPHCM hiện nay còn là di sản, là kết quả xây dựng của bao thế hệ. Do vậy, việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị cũ dù lớn hay nhỏ đều quan trọng đối với sự phát triển thành phố trong tương lai.

Tóm lại, xây dựng, tôn tạo thành phố theo hướng hiện đại là việc cần làm, nhưng điều cần quan tâm hơn nữa là sự đồng thuận của người dân, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chính quyền trong kế hoạch phát triển thành phố, nhằm có được cái nhìn thấu đáo, sáng suốt, đa chiều và toàn diện hơn trước khi bắt tay thực hiện. Bên cạnh đó, tất nhiên, trước khi làm mới, chúng ta cần nhanh chóng khảo sát, sưu tầm và lưu trữ tất cả những gì có thể, đấy cũng chính là hành trang cho những công dân tương lai sau này không bị “mất ký ức”. Bởi vì “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, nên cách hành xử của chúng ta hiện tại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai, đến các giá trị truyền thống cần và nên được bảo tồn, đặc biệt bộ mặt đô thị vốn là bảo tàng khổng lồ và đáng giá nhất của bao thế hệ.

Chợ Bến Thành, một điểm thu hút khách du lịch vì những nét văn hóa, kiến trúc độc đáo

Như tôi đã đề cập, trong bài toán quy hoạch đô thị, nhà nước nên đặt lợi ích của số đông và tổng hòa các lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Những tượng đài, những hàng cây, những ngôi chùa cổ… ký ức về một nơi cụ thể nào đó có thể sẽ không còn, tuy nhiên không thể không phát triển vì đó là quy luật của cuộc sống, cũng là nhằm cải thiện chất lượng đô thị, hình ảnh thành phố trong cuộc hội nhập. Và cái mà người dân băn khoăn chính là cách xử lý, thực hiện. Làm sao những “ký ức” ít bị tổn hại nhất, dẫu chỉ còn là hiện vật, chứng tích cho thế hệ mai sau.

Sau cùng, con người thời nào sẽ tạo thành quả tương ứng của thời ấy, và kiến trúc, lịch sử, văn hóa… cũng không ngoại lệ. Mỗi thời đại có những dấu ấn riêng, tinh hoa riêng tạo nên dòng chảy lịch sử một dân tộc, một cộng đồng dân cư. Dòng chảy lịch sử đó không thể nào chỉ gói gọn hay vo tròn mà phải thấm sâu, vươn xa và bay cao trong xu thế hội nhập. Vấn đề còn lại là phát triển nhưng cũng rất cần lưu tâm “hội nhập chứ không hòa tan” trong biển cả thời đại.

Hoàng Tuấn ghi

Tin cùng chuyên mục