Ở môi trường sống hiện tại, việc trở thành một ông bố, bà mẹ bảo vệ con quá mức đã trở thành một lối sống của nhiều người. Ví dụ, cha mẹ luôn kè kè bên con vì sợ chúng bị ngã đau, cầm cái gì đó bẩn, hay sợ người lạ bắt cóc…
Cân bằng giữa sự an toàn và tự do của trẻ
Với những trẻ đã lớn, cha mẹ chăm sóc và làm thay mọi việc, không cho trẻ tham gia các hoạt động cuộc sống thực tế với mục đích để con chuyên tâm đạt thành tích học tập. Hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng những điều đó. Nhưng những đứa trẻ cần trải nghiệm với thế giới trực tiếp để học hỏi và phát triển, cần có tự do để hoạt động theo ý mình, tự xử lý các vấn đề của chúng với thế giới bên ngoài. Như thế tức là việc cha mẹ bảo vệ con cái quá nhiều cũng bất lợi như việc không bảo vệ chúng. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể tìm được sự cân bằng giữa sự an toàn và tự do của trẻ?
Cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, cho trẻ. Ảnh: Mai hải
Theo quan điểm của bà Maria Montessori, người sáng lập phương pháp Montessori (phương pháp giáo dục sớm đã tạo những đứa trẻ hạnh phúc và thành công, trong đó có các thiên tài như những nhà sáng lập Google, Amazon, Wikipedia…), một đứa trẻ cần phát triển thông qua các hoạt động thực tế. Trẻ có nhu cầu nội tại riêng và cần được người lớn tôn trọng. Người lớn không phải chỉ kè kè bên cạnh trẻ, cấm đoán trẻ, yêu cầu chúng làm theo mong muốn của mình, mà người lớn cần tạo một môi trường an toàn, tương thích với trẻ để chúng tự do khám phá.
Trong phương pháp Montessori, môn Thực hành kỹ năng sống (Practical life) là một môn quan trọng, trẻ cần được tiếp cận đầu tiên. Với các hoạt động thực hành kỹ năng sống của Montessori, trẻ được dạy sử dụng các đồ dùng mà những cha mẹ truyền thống coi là nguy hiểm. Ví dụ, trẻ 3 tuổi có thể được dạy cách dùng dao, kéo vừa với đôi tay của chúng, trẻ cũng có thể tham gia các hoạt động dùng ly, chén bằng thủy tinh.
Trong căn phòng của trẻ được thiết kế theo nguyên tắc Montessori, mọi đồ vật trong phòng đều nhỏ gọn và được đặt ngăn nắp trên các kệ vừa tầm với của trẻ (kệ cao khoảng 60-80cm). Trẻ có thể tự do di chuyển, tự do lấy đồ vật và giáo cụ mình thích để hoạt động, tự do cất lại. Hoặc đơn giản là ngay tại bồn rửa mặt, nhà bếp có kê những kệ thích hợp cho trẻ, để trẻ tự do rửa tay, rửa chén mà vẫn đảm bảo an toàn.
Vài điều tham khảo cho phụ huynh
* Thay vì luôn dạy con phải tránh xa người lạ mặt và khiến con trẻ nhìn mỗi người lạ mặt là một kẻ tấn công thì bạn có thể chủ động lựa chọn một số tình huống và dạy trẻ cách tương tác của người lớn và trẻ em. Chỉ cho trẻ cách nhận biết, phát hiện các hành vi đáng ngờ từ người lạ. Bên cạnh đó cũng dạy trẻ cách nhận diện người tốt, hoặc khi phát hiện nguy hiểm phải tìm tới ai, ví dụ những chú cảnh sát hay bảo vệ.
* Dạy trẻ cách xử lý rủi ro: Một đứa trẻ trong quá trình trưởng thành, chắc chắn phải có những lần vấp ngã, mọi nguy hiểm luôn bên cạnh trẻ, dù bố mẹ có sử dụng tối đa thời gian để luôn bên chúng. Vậy cách hay hơn cấm đoán trẻ là nên dạy trẻ biết cách xử lý các tình huống nguy hiểm. Ví dụ, khi con nhìn thấy tổ ong thì không nên dùng đồ vật ném vào, hoặc khi con làm vỡ đồ thủy tinh thì cách xử lý như thế nào nếu bố mẹ không ở đó…
Hãy tưởng tượng, khi đứa trẻ của bạn lớn lên, chúng muốn trở thành một võ sư, hoặc một vận động viên thể thao, cũng có thể là đến vùng đang xảy ra chiến tranh để làm tình nguyện viên. Lúc này, bạn sẽ không thể ngăn cản, thay vào đó luôn tin tưởng rằng, con bạn đã đủ kiến thức và kinh nghiệm để sinh tồn trong các tình huống nguy hiểm.
* Với trẻ từ 3 tuổi, hãy thử để chúng có một khoảng không và tự chơi trong khuôn viên một mình, bố mẹ chỉ quan sát từ xa.
* Với trẻ lớn, bố mẹ hãy thử để trẻ tự đi học bằng cách đi bộ hoặc xe đạp cùng bạn bè. Điều này thực sự giúp cho sự tự lập và trải nghiệm cùng bạn bè.
* Và điều quan trọng nhất: Dạy trẻ vận động hợp lý, giúp trẻ có một thể lực tốt và linh hoạt trong mọi tình huống.