Người vợ tế nhị
Anh Thắng và chị Hà lấy nhau được 6 năm. Hai vợ chồng có được một cậu con trai kháu khỉnh. Anh chỉ là công nhân, làm việc chân tay trong một xí nghiệp, còn chị sau nhiều năm phấn đấu cũng có một vị trí vững chắc trong một ngân hàng. Thu nhập của hai người cũng có một khoảng cách.
Thế nhưng không vì thế mà gia đình có chuyện lục đục. Vợ chồng con cái vẫn hòa thuận, hạnh phúc. Tất cả đều do chị Hà khéo cư xử. Hiểu được chồng vì hoàn cảnh khó khăn không được học hành đến nơi đến chốn nhưng anh vốn là người thông minh, vì vậy chị luôn phát huy những hiểu biết của anh. Chị luôn nhờ anh giải đáp những vấn đề thuộc lĩnh vực kiến thức phổ thông mà chị chưa hiểu hết. Dù biết anh không rõ mấy về lĩnh vực công tác của mình nhưng chị cũng thường đem chuyện cơ quan hỏi ý kiến anh... Mọi chuyện trong gia đình dù thực tế vẫn theo ý của chị, nhưng việc gì trước khi quyết định chị cũng đều thông qua anh. Chị đã tạo cho anh Thắng ý nghĩ rằng anh thực sự là người chủ gia đình, lúc nào cũng được vợ con tôn trọng, không có mặc cảm là mình thua kém vợ.
Nhiều đấng nam nhi lúc nào cũng muốn hơn vợ một cái đầu. Vợ càng tự đề cao, tự khen mình hay tỏ ra ta đây, chồng càng kiếm chuyện gièm pha chê bai. Nắm được tâm lý này, một số chị em thành đạt khéo léo đưa chồng vào “bẫy” bằng cách luôn miệng khẳng định “nếu không có anh thì…”.
Chị Hiền không bao giờ lấy điểm yếu của chồng ra để chì chiết, lại còn luôn phát huy những ưu điểm của anh. Biết chồng khá rành vi tính, thỉnh thoảng chị mang báo cáo về nhờ anh chỉnh sửa. Nhiều lần chị nhờ anh vẽ hộ mấy cái biểu đồ, sơ đồ minh họa báo cáo. Lần nào làm xong, anh cũng được nhận câu cảm ơn khéo rằng “may quá, không có anh thì…” khiến anh phổng mũi. Mỗi khi có bạn bè đến chơi, khen ngợi về sự thành đạt của mình, chị Hiền luôn nói “nếu không có anh ấy thì mình không được như vầy đâu”. Đầu tiên, anh Khoa cũng không lấy gì làm vui khi vợ mình được đề bạt làm sếp, nhưng lần hồi, qua cách ứng xử của chị, anh cảm thấy mình cũng góp phần vào sự thăng tiến của vợ nên đã chuyển từ sự khó chịu sang niềm hãnh diện vì có cô vợ giỏi.
Anh là nhất
Tính sĩ diện của đàn ông khá lớn. Người vợ nếu hiểu được điều này, đánh vào tâm lý ấy thì… muốn gì cũng được. Anh Hùng làm nhân viên một cơ quan nhà nước, do tính gàn gàn lại không nhịn nhường ai nên cả chục năm vẫn là “lính quèn”. Bất đắc chí nên với vợ con, anh thường có tính khí bất thường. Chị Lan là một phụ nữ khéo léo, chịu thương chịu khó và có chí phấn đấu nên chẳng bao lâu, chị đã là nhân vật quan trọng của cơ quan. Càng lên cao, chị càng ý tứ trong cách cư xử với chồng. Mặc dù biết anh Hùng thường nghe theo ý kiến mình, nhưng không bao giờ chị tước cái quyền quyết định của anh cả.
Câu đầu môi của chị luôn là “anh giúp em nhé…”, “việc này không có anh thì không xong đâu…”. Khi xong việc, chị lúc nào cũng không tiếc lời khen khiến anh càng cảm thấy mình quan trọng. Nhún nhường, khéo léo, biết động viên và khen nịnh chồng không phải là sự thiệt thòi. Mục đích là làm cho gia đình êm ấm, chồng không cảm thấy bị vợ coi thường, lấn át, thiếu trách nhiệm mới là quan trọng nhất.
Đôi khi không cần phải “đóng kịch” mà sự thành thực biểu lộ qua những lời nói, lời tâm sự với chồng cũng mang lại hiệu quả. Dù có thăng tiến tới đâu, đối với chồng, phụ nữ đừng ngại tỏ ra yếu đuối, mệt mỏi để được vỗ về, an ủi. Cơ quan đang gặp nhiều vấn đề rắc rối, chị Khánh cảm thấy uể oải, đôi khi chán nản. Thay vì thể hiện sự bực bội khi về nhà, chị thật lòng nói với chồng: “Em mệt mỏi quá anh ạ! Nhiều lúc em muốn vứt bỏ tất cả, em đâu có ham hố chức tước, chẳng qua do được phân công nên phải làm tròn trách nhiệm thôi. Thật ra, là người phụ nữ, em chỉ cần chồng và con thôi”. Nghe vợ nói những lời như thế, có lẽ sẽ chẳng có ông chồng nào hăng máu lên và nói: “Em cứ vất hết đi”. Chồng chị Khánh cũng thế. Nhìn một sếp uy quyền là thế, giờ lại tỏ ra yếu đuối, mệt mỏi trong vòng tay mình, anh thương lắm, hết lòng an ủi và động viên để chị an tâm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thế đấy, ai bảo làm vợ hiền là khó?