
Cuối cùng, Hicham El Guerrouj đã có HCV OLympic đầu tiên ở cự ly sở trường 1.500 m sau khi giành chiến thắng trước đối thủ-bạn hiền Bernard Lagat (Kenya). Đã 4 lần vô địch thế giới nhưng nam VĐV El Guerrouj chỉ mới có HCB tại Olympic Sydney 2000 và bị té ở Olympic 1996.
Đầu năm nay, anh thua Lagat tại một giải Italia. Trước đây, El Guerrouj nói anh là kẻ bất hạnh, chưa đăng quang lần nào ở vị trí cao nhất của bục danh dự Olympic.

R.Sebrle mừng chiến thắng.
Anh đã hy vọng rất nhiều ở Athens, nói đây là “nơi sinh ra mình” vì chức vô địch thế giới đầu tiên của anh là tại đây, nhân giải vô địch điền kinh thế giới 1997.
Khi còn cách đích không xa, Lagat tăng tốc nhưng không thể vượt qua El Guerrouj, người giành chiến thắng sau 3 phút 34 giây18. Lagat đoạt HCB, và Rui Silva (Bồ Đào Nha, đoạt HCĐ.
Ở môn nhảy sào nữ, Yelena Isinbayeva (Nga, 23 tuổi) đoạt HCV Olympic đầu tiên với thành tích kỷ lục thế giới 4m 91. Isinayeva phá đổ kỷ lục cũ (4 m90) của chính mình lập ngày 30-7 năm nay. Đồng hương Svetlana Feofanova hạng nhì và Monika Pyrek (Ba Lan) hạng ba.
Trong khi đó, Roman Sebrle (CH Séc) vô địch nội dung 10 môn phối hợp với số điểm kỷ lục thế giới 8.893 điểm sau hai ngày thi đấu. Anh phá đổ kỷ lục xưa 20 năm (8.847 đ) của Daley Thompson. Đây là danh hiệu vô địch lớn đầu tiên của Sebrle kể từ chiếc HCB Olympic 2000, hạng nhì giải vô địch điền kinh thế giới Paris 2003. Bryan Clay (Mỹ) cũng lập thành tích cá nhân tốt nhất và Dmitriy Karpov (Kazakhstan) lập kỷ lục châu Á. Sebrle vươn từ hạng tư tạm thời lên ngôi đầu sau nội dung ném lao đạt 70m 52. Clay leo lên hạng hai trong khi Karpov mất ngôi đầu bảng, xếp hạng ba.
Joanna Hayes (Mỹ) thét to vì vui sướng khi lập kỷ lục Olympic cự ly 100 m vượt rào nữ với thành tích 12 giây 37, sau khi ứng cử viên sáng giá Perdita Felicien (Canada, vô địch thế giới) vấp hàng rào đầu tiên không thể kết thúc cự ly khi té vào Irina Shevchenko (Nga). Họ đều bị loại, đội Nga phản đối, đề nghị thi đấu lại nhưng chưa có quyết định. Kỷ lục cũ 12.38 của Yordanka Donkova (Bulgaria) lập cách đây 16 năm.
Olena Krasovska (Ucraina) về nhì và Melissa Morrison (Mỹ) đoạt HCĐ Olympic lần thứ hai liên tiếp.
Bích Ngọc