Chị vẫn thường trêu bà là “trùm khoa Thận”. Vì từ khi bệnh viện có máy lọc thận, bà cũng trở thành bệnh nhân đầu tiên. Một tuần chạy thận 3 lần, bà quen với từng ngóc ngách, biết nối dây vào dây ra, thành thạo như bác sĩ. Người chạy thận phải ăn uống kiêng khem; nhiều người chết vì thỏa mãn một cơn thèm nhưng hơn hai mươi mốt năm, bà kiên trì, khắt khe với chính mình, muốn ăn gì cũng gọi điện cho chị, hỏi thật kỹ càng.
Bà kể, thời còn trẻ, bà đi xuất khẩu lao động, trở về nhà chưa được bao lâu lại phát hiện suy thận. Bởi vậy, bà khao khát sống để được bên các con thêm chút nữa, bù đắp cho chúng những năm thiếu vắng mẹ. Bà tự nhủ phải ráng sống đến khi chúng được mười tám tuổi.
Khi chúng lên đại học, người mẹ lại tự khích lệ cố thêm vài năm để đợi ngày các con mình thành tài. Rồi từng đứa ra trường, lần lượt lập gia đình, theo lẽ cũng đã viên mãn. “Tui thèm sống dai lắm bác sĩ. Nghe sắp nhỏ hẹn mai mốt về thăm là tui phấn khởi. Có gì ngon tui cũng để phần tụi nó, nhiều khi đồ ăn để riết hư luôn mà tụi nhỏ bận bịu chưa về”, trước khi cơn tai biến ập đến, bà thủ thỉ.
Đời người dài rộng, “mai mốt” nối nhau bất tận, cứ gì phải gặp nhau hôm nay. Chị cũng đã từng nghĩ thế cho đến khi lỡ hẹn. Đó là cuộc hẹn với người chị thầm thương vào năm cuối đại học. Anh gửi tin và nhấn mạnh “có chuyện rất quan trọng”. Nhưng vì chìm đắm trong cuốn sách, lúc ngẩng lên trời đã nhập nhoạng tối, chị chạy thục mạng ra chỗ hẹn thì anh không còn đứng đó. Một thời gian sau, anh đi du học, để lại cho chị một lá thư. Anh nói cũng thầm thương chị nhưng vì hôm ấy chị không đến, anh tự hiểu rằng đó là tình cảm đơn phương. Chị cố vớt vát sự tiếc nuối bằng một thanh xuân âm thầm chờ đợi anh. Hai năm, bốn năm, sáu năm… anh quyết định ở lại làm việc, định cư ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất.
Về sau, dù trân trọng những cuộc hẹn, nhưng ngày ba mất, chị vẫn ân hận vì bao lần hứa về thăm ông rồi bỏ ngỏ do công việc. Lần tạt về nhà ăn vội bữa cơm với ba trên đường đi công tác lại là lần gặp cuối cùng. Ông không thể đợi con, cũng như bao nhiêu người quan trọng không thể tiếp tục đợi chị trong cuộc đời. Dần dà, chị khuây khỏa rồi an phận bên một gia đình nhỏ - nơi người chồng luôn về nhà trễ, thỉnh thoảng lại phả ra mùi rượu nồng nặc. Tới sáng, anh ôm vợ, ngọt ngào dỗ dành: “Em biết công việc anh mà. Mai mốt anh về sớm hen”. Chị luôn mềm lòng, miễn cưỡng bỏ qua cho anh.
Chiều muộn, rời bệnh viện, chị đến tiễn biệt bà Vui. Nhìn các con cháu đứng bên quan tài cúi đầu khóc, chị tự hỏi, không biết họ đã kịp về nhà như ước nguyện của mẹ, để quây quần nói cười, ăn món bà dày công chuẩn bị. Nếu lỡ hẹn lần này, lần gặp tiếp theo chắc sẽ dài vô tận, có thể ngàn năm, ở một kiếp nhân sinh khác.
Trên đường về nhà, trong dòng người xe hối hả vụt qua nhau, chị nghĩ đến chồng. Đã lâu lắm rồi, anh không ăn cơm tối cùng vợ, không ôm các con trước khi chúng say giấc. Chị bấm máy, gọi cho anh. “Hôm nay, anh đang có việc quan trọng lắm”, anh gấp gáp trả lời. Chị bật khóc thành tiếng rồi bỗng dưng hét lên trong điện thoại: “Em và con mới là điều quan trọng, anh phải về! Ngay hôm nay!”.
Lần đầu tiên, chị hét lên với chồng, nhưng dường như là hét lên với chính mình, hét vào một nỗi sợ mơ hồ và âm ỉ.