Làng cá lớn nhất Việt Nam

Làng cá lớn nhất Việt Nam

Choáng ngợp. Cảm giác ấy ùa về trong tôi ngay khi vừa đặt chân đến xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng. Đường sá được trải nhựa phẳng lì, nhà ba - bốn tầng mọc san sát, quỹ tín dụng nhân dân, máy rút tiền tự động, cửa hàng dịch vụ Internet tốc độ cao, các dịch vụ văn hóa giải trí trăm hoa đua nở… Bóng dáng phố thị sầm uất làm tôi quên nơi đây thật ra chỉ là một làng chài ven biển.

  • Ra khơi câu mực

Làng cá lớn nhất Việt Nam ảnh 1

Cảng cá Mắt Rồng tấp nập tàu bè qua lại.

Vốn đã quen nhau qua cả giờ tán dóc khi ngồi ngắm hoàng hôn nhuộm tím thẫm cảng cá Mắt Rồng, lại có thêm sự giới thiệu của ông Nguyễn Đức Triện - Chủ tịch xã - nên khi tôi ngỏ ý muốn bám tàu ra khơi, chàng ngư phủ Nguyễn Hồng Thanh gật đầu cái rụp. Con tàu 105CV nổ giòn tan, kiêu hãnh trườn trên biển bạc nhằm hướng ngư trường Bạch Long Vĩ.

Thanh tiếp chuyện tôi bằng cái giọng rổn rảng của người “ăn đằng sóng nói đằng gió”. 18 tuổi anh đã theo cha đi biển nhưng ngày ấy, với chiếc tàu sập sệ 15CV, cha con chỉ dám quanh quẩn gần bờ mà vơ bèo vạt tép. Hay lam hay làm nhưng do tàu nhỏ, tầm hoạt động hẹp, năng suất thấp nên dù co kéo thế nào thì cái gia đình 5 miệng ăn ấy vẫn cứ khốn khó.

May mắn thay, năm 1998, được UBND xã bật đèn xanh, gia đình anh bán con tàu cũ, vay ngân hàng 100 triệu đồng đóng mới con tàu 44CV. Tích cóp dần sau những chuyến ra khơi dò bụng biển, tới nay, gia đình anh không những trả hết nợ ngân hàng mà còn đóng mới được con tàu 105CV trị giá 400 triệu đồng.

Sau 5 năm trần mình giữa nắng gió mặn mòi, nay Thanh đã được cha tin cậy giao chèo lái con tàu mơ ước, cùng 10 “thợ bạn” ra khơi vãi chài, vó mực, cá, tôm... Mới đây, Thanh vừa chi thêm 40 triệu đồng để lắp mới dàn đèn 30 bóng (500W/bóng) ra khơi câu mực.

Chạy được chừng 200 hải lý, tàu buông neo. Trời, biển cùng tối đen. Gió lồng lộng. Dàn đèn của tàu được bật lên, kéo thành một vùng sáng lung linh với đường kính tầm hơn chục mét. Chẳng mấy chốc, từng đàn mực ống, mực lá say ánh đèn kéo về bu quanh mạn tàu và phần đông trong số chúng không thoát khỏi tấm lưới của những ngư dân vạm vỡ, lành nghề.

Muốn tặng tôi một kỷ niệm đáng nhớ (và cũng là bày việc cho kẻ ngoại đạo ra một góc cho đỡ vướng chân vướng cẳng mọi người), Thanh dạy tôi câu mực. Chiếc cần câu dài hơn 1m, cuộn dây cước khoảng 30m được gắn 2 chiếc rường câu trông giống con tôm. Rường làm bằng chì và nhựa phản quang có gắn chùm móc câu phía dưới. Thân rường được quấn giấy kim tuyến xanh, đỏ, tím, vàng để dễ bắt đèn. Thả lưỡi câu xuống nước ở độ sâu từ 10-15m xong, tôi luôn tay rê qua rê lại. Chỉ chừng 10 phút sau, bị hấp dẫn bởi chùm sáng lấp lánh ấy, từng đàn mực tranh nhau đuổi theo con mồi, đua nhau đớp để rồi há miệng mắc quai.

Trong khi đó, sau 2 giờ lao động cật lực, Thanh và nhóm thợ kiếm được hơn 3 tạ mực - thành quả cũng không đến nỗi nào bởi thời điểm này không phải là chính vụ. Chúng tôi tưởng thưởng bằng cách vừa nhấm nháp món mực nướng trên bếp than hồng, chấm muối tiêu chanh và nhâm nhi ly rượu gạo trong vắt, thơm nồng...

  • Cả xã kết thành tập đoàn

Xã Lập Lễ thuộc vùng trũng chân đê biển nước mặn, diện tích canh tác nông nghiệp bình quân chỉ có 280m2/người, cây trồng chủ yếu là lúa nước, dù thâm canh cao cũng chỉ đạt năng suất 9 tấn thóc/ha/năm. Vì thế, người dân tập trung xây dựng và phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Năm 1987, Đảng ủy, UBND xã đã quyết định gắn kết cả xã thành Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu. Đây là mô hình kinh tế tập thể có tính sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn sinh động của cuộc sống. Nhưng cũng phải đợi đến năm 1994 liên tập đoàn mới bước đầu phát triển xứng với tên gọi của nó.

Khởi thủy từ việc anh em ông Nguyễn Đức Sông, Nguyễn Đức Nhẫn học tập kinh nghiệm nước ngoài, trang bị dàn đèn cho 4 tàu cá của mình để đánh vó mực, đạt hiệu quả rất cao. Nắm bắt cơ hội ấy, xã đã huy động nội lực để cải tiến công cụ đánh bắt, cải hoán tàu cá, tổ chức lại Liên tập đoàn để phù hợp với ngư trường vịnh Bắc bộ. Chỉ sau 2-3 tháng, Liên tập đoàn đã có 31 phương tiện vó mực kết hợp ánh sáng.

Năm 1996, cả xã có 96 tàu lắp 2 máy 15CV hoặc 1 máy 44CV. Nay thì số tàu cá đã lên đến 653 chiếc, công suất từ 30-105CV, trong đó có gần 400 tàu đánh bắt xa bờ. Tổng số ngư dân lao động trực tiếp trên biển và phụ trách hậu cần lên tới gần 5.000 người, thu hút lực lượng lao động của cả trong và ngoài xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Khắc Nhún, Liên tập đoàn trưởng, hồ hởi cho biết: “Quản lý đội tàu quy mô toàn xã, chúng tôi phải vừa điều hành sản xuất, vừa làm dịch vụ cho nghề khai thác, vừa thu thuế, vừa lập kế hoạch tham mưu UBND xã thực hiện nhiệm vụ phát triển nghề cá, kinh tế biển. Liên tập đoàn hạch toán kinh tế trên từng phương tiện theo hộ gia đình; tư vấn, vận động các thành viên chọn nghề phù hợp, hỗ trợ vốn cho các hộ mua sắm phương tiện phát triển sản xuất. Chúng tôi đặc biệt quan tâm nắm tình hình khai thác từng nghề, từng vùng, từng thời kỳ để có căn cứ vận động thành viên tập trung khai thác những loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Nhờ thế, có thời kỳ khi tham khảo thấy trên thị trường, tôm he bị rớt giá đáng kể (từ 90.000 đồng/kg xuống còn 60.000 đồng/kg) thì chúng tôi tham mưu cho các tàu chuyển hướng sang đánh bắt mực, cá... không những kịp thời tránh được thua lỗ mà còn tăng giá trị sản phẩm gấp 2-3 lần. Nhiều Hợp tác xã (HTX) thành viên còn mạnh dạn hỗ trợ 40kg dầu/tàu/lần để các tàu đi thăm dò, tìm kiếm ngư trường. Nếu các tàu không khai thác được sản phẩm thì không phải trả tiền dầu, nếu tìm được ngư trường có sản lượng cao thì phải báo để các tàu trong diện được HTX bao tiêu sản phẩm đến cùng khai thác. Chính nhờ những hoạt động thiết thực ấy nên tổng giá trị sản lượng bình quân hàng năm của Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu đều đạt gần 200 tỷ đồng”.

  • Thế vững chãi của làng cá lớn nhất Việt Nam

Ghé thăm một xưởng sản xuất, chúng tôi thấy một tốp thợ đang thoăn thoắt tút sửa một con tàu ngay tại bến cá. Tiếng búa chan chát, tàn lửa từ máy cắt, mỏ hàn tóe ra sáng lòa. Trò chuyện với ông Đinh Tiến Lực, Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi biết xã có 5 xưởng đóng và sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ, 2 xưởng sửa chữa máy tàu, 4 xưởng cơ khí với gần 350 lao động, hàng năm đóng mới và sửa chữa 50-100 tàu cá, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng.

Liên tập đoàn còn có 2 xưởng sửa chữa máy tàu, 4 xưởng cơ khí, 5 cửa hàng vừa kinh doanh vừa sửa chữa máy thủy, 23 cửa hàng kinh doanh ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải và phục vụ nghề cá. Nổi bật là 2 cơ sở chế biến thủy sản tại Cát Bà và Quảng Ninh; 6 đội tàu dịch vụ hậu cần tại Cát Bà và Bạch Long Vĩ…

Ngoài việc chú trọng phát triển nghề chủ lực là đánh bắt hải sản, Liên tập đoàn cũng đã lập đề án nuôi tôm công nghiệp (nước lợ) trên diện tích 70ha tại thôn kinh tế mới Tân Lập - Vũ Yên; chuyển đổi 52ha đầm trũng hoang hóa để nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Ngoài ra, liên tập đoàn còn có 145 hộ nuôi lồng bè trên biển tại đảo Cát Bà và huyện đảo Bạch Long Vĩ. Các dự án này cho làng chài doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm.

Một làng chài có sản lượng bình quân hàng năm lên tới hơn 12.000 tấn, thu nhập bình quân đầu người lên tới 7-8 triệu đồng/tháng, quả rất ấn tượng!

Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu trở thành điểm sáng của ngành thủy sản toàn quốc. Và để phát huy hơn nữa tiềm năng của làng cá lớn nhất Việt Nam này, trung ương và thành phố Hải Phòng đã đầu tư xây dựng cảng cá Mắt Rồng có lưu lượng 800-1.000 tàu. Giai đoạn 1 đã hoàn tất, có nơi neo trú 250-300 tàu thuyền, giai đoạn 2 cũng sắp cắt băng khánh thành.

Tại cảng cá này đang hình thành một khu dịch vụ hậu cần nghề cá, bước đầu có 2 công ty TNHH cung ứng xăng dầu, 1 xưởng đá, 1 xưởng cơ khí, 1 cơ sở chế biến thủy sản. Một thôn mới liền kề cảng cá Mắt Rồng với khu dân cư, chợ cá, nhà bưu điện, nhà văn hóa, sân vận động, trường học… cho 680 hộ trong xã di dời ra cũng đã nên hình nên vóc.

Mặt trời ló rạng. Từ ngoài khơi, từng đoàn tàu trĩu nặng cá tôm chầm chậm vào bờ, mang theo cả ấm no, hạnh phúc cho người dân Lập Lễ.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

 

Tin cùng chuyên mục