Làng nghề mây, tre đan - Nguy cơ giải thể 40% cơ sở

Làng nghề mây, tre đan - Nguy cơ giải thể 40% cơ sở

Những năm trước, ở thời điểm này - cao điểm của mùa xuất hàng, có lẽ anh Minh Long không có thời gian trả lời phỏng vấn của tôi. Giờ thì anh buồn bã lắc đầu: “Lượng hàng xuất khẩu năm 2008 chỉ bằng nửa năm 2007 và năm 2009 chúng tôi chưa nhận được đơn đặt hàng chính thức nào từ thị trường Mỹ, vốn chiếm tới 70% lượng hàng xuất khẩu của Công ty Phú Hoa Trang”. Không ngẫu nhiên mà ngày 15-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phải họp khẩn cấp nhằm tìm giải pháp hỗ trợ cho các làng nghề.

Từ Bắc…

Làng nghề mây, tre đan - Nguy cơ giải thể 40% cơ sở ảnh 1

Nhiều cơ sở sản xuất mây, tre đan đang phải sản xuất cầm chừng vì thiếu đơn đặt hàng

Làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tồn tại ngót 400 năm. Tuy lúc thịnh, lúc suy, nhưng nói như ông Nguyễn Đình Tuấn, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy xã, nghề này là “cần câu cơm” của 80% - 90% số hộ gia đình trong xã. Nhờ có nghề này, tính đến cuối năm 2008, toàn xã có gần 1.000 hộ khá giả trở lên (chiếm 45% số hộ).

Phú Vinh đã được chọn là một trong những điểm du lịch để giới thiệu làng nghề với bạn bè trong nước và quốc tế. Tuy thế, kết quả kinh doanh ngành hàng này trong năm 2008 không được như mong muốn. Ước tính, doanh thu từ nghề tiểu thủ công nghiệp của toàn xã Phú Nghĩa trong năm 2008 sẽ chỉ bằng 70% so với năm 2007, lợi nhuận cũng sụt giảm hàng chục tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số cơ sở sản xuất lớn của làng nghề Phú Vinh, anh Nguyễn Văn Tiệp, cán bộ văn hóa xã tỏ vẻ ưu tư: “Nhà tôi cũng làm nghề nên nắm rất rõ tình hình giá cả đầu ra đầu vào. Năm nay giá nguyên liệu trồi sụt thất thường, có loại tăng đột ngột. Song chẳng hạn, đang từ 23.000-24.000đ/kg vọt lên tới 36.000đ/kg, trong khi sản phẩm làm ra không thể tăng giá mà bán vẫn không chạy. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ chính của những mặt hàng này là ở nước ngoài, trong khi kinh tế thế giới đang khó khăn nên đầu ra giảm mạnh”.

… đến Nam

Từng là một doanh nghiệp đạt nhiều giải thưởng, HTX Quang Minh (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) năm nay cũng phải chấp nhận giảm lãi, tiết kiệm chi phí tối đa để duy trì sản xuất và đảm bảo mức lương cho người lao động. Phó Chủ nhiệm HTX Trần Văn Từ nói: “Kim ngạch xuất khẩu năm nay của HTX chỉ đạt khoảng 3 triệu USD, giảm khoảng 30%. Lợi nhuận năm nay còn giảm mạnh nữa, chỉ khoảng 3%, dù đã cố gắng tiết giảm chi phí tối đa. Thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, khối Đông Âu cũng giảm đáng kể”. Ông cho biết thêm, mọi năm trước tết doanh nghiệp thường đã có những đơn đặt hàng gối vụ cho tới hết năm sau, song cho đến thời điểm này, Quang Minh mới chỉ ký được hợp đồng với đối tác tới hết tháng 4-2009.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, có tới 40% cơ sở sản xuất mây, tre đan có nguy cơ giải thể. Cần nói thêm, 713 làng nghề loại này đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 350.000 lao động, chưa kể số lao động phụ. Nếu dự báo đáng buồn kể trên trở thành hiện thực, đây sẽ là một vấn đề xã hội không hề nhỏ.

Tia sáng nào cuối đường hầm?

Tại cuộc họp vừa được tổ chức đầu tuần này nhằm “cứu” các làng nghề nói chung và ngành tiểu thủ công nghiệp mây, tre đan nói riêng, giải pháp được nhấn mạnh là giảm mạnh lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay để doanh nghiệp và các hộ sản xuất đủ lực “cầm cự”.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Minh Long, cái khó lớn nhất của doanh nghiệp hiện không còn là nguồn vốn mà là không phát triển được thị trường ngoài nước, trong khi thị trường trong nước thì lại không mặn mà với những sản phẩm loại này. Giám đốc Công ty Phú Hoa Trang tâm sự: “Nhiều lần mang hàng đi triển lãm, hội chợ ở nước ngoài, chúng tôi rất mong Thương vụ Việt Nam hỗ trợ về mặt thông tin, tìm kiếm đối tác (chứ chưa nói đến chi phí) nhưng hầu như chưa hề nhận được sự giúp đỡ nào”.

Anh Long thừa nhận, không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự xoay xở để tiết kiệm chi phí, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm để thu hút thêm khách hàng nội. “Tôi biết chuyển hướng sang thị trường nội địa là khó nhưng cũng là việc cần làm”. Ông Trần Văn Từ cũng cho biết, HTX Quang Minh đang đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm để không bị quá phụ thuộc vào một loại nguyên liệu.

Đồng thời, thay vì chỉ làm các loại túi, giỏ xách, bình bông đơn giản, Quang Minh đang “nhắm” tới thị trường đồ nội ngoại thất. “Nếu Nhà nước và các hiệp hội làm cách nào đó để hướng người tiêu dùng Việt Nam đến các mặt hàng này thì tốt quá. Lúc đó, gói giải pháp kích cầu tiêu dùng sẽ một công đôi việc”, ông Từ bày tỏ.

ANH THƯ (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục