Lãng phí!

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh đứng hạng 7 thế giới, thi đấu hạng chục giải quốc tế lớn nhỏ vậy mà chỉ kiếm được khoảng 2 tỷ đồng tiền thưởng mỗi năm (với điều kiện chơi tốt). Nhưng hơn phân nửa số tiền ấy phải chi cho tập luyện, di chuyển. Nổi tiếng là vậy, nhưng Tiến Minh chỉ nhận được tài trợ trên dưới 50 triệu đồng/tháng. Vậy nên giấc mơ có một học viện cầu lông mang tên mình với Tiến Minh, cũng chỉ là giấc mơ.

Theo Tổng cục TDTT, kinh phí cho đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 26 là khoảng 700.000 USD (khoảng 14 tỷ đồng) cho gần 800 người, mục tiêu đoạt đến 70 huy chương vàng để xếp hạng 3 toàn đoàn. Xin lưu ý là bao gồm cả 2 đội tuyển bóng đá U-23 và bóng đá nữ.

Trong khi đó, theo ước tính của các ông bầu, mỗi trận đấu tại V-League có đến 3 tỷ đồng phải chi ra. Mỗi năm, một CLB tiêu tốn đến gần 4 triệu USD mà lại chẳng bảo đảm sẽ trụ hạng, đừng nói gì đến việc đạt mục tiêu nào đó. Như vậy, mỗi năm xã hội phải bỏ vào cho riêng giải V-League là hơn 1.000 tỷ đồng. Riêng ban tổ chức giải, đã có 30 tỷ đồng của nhà tài trợ Eximbank.

Tất cả số tiền đó đến từ sự đóng góp của xã hội, thông qua các doanh nghiệp làm bóng đá. Vậy nhưng, cả giải V-League thu được gì? Tính toán khả quan lắm thì chỉ có khoảng 10 tỷ đồng tiền bán vé, 3 tỷ đồng tiền truyền hình là hết.

Những con số ở trên đã nói lên tất cả.

Gần 2 tuần qua, bóng đá Việt Nam đang “sốt” hầm hập sau khi các ông bầu bóng đá phản ứng gay gắt với VFF. Họ cho rằng, những gì mà bóng đá Việt Nam đang có hiện nay không tương xứng với những gì mà xã hội đã kỳ vọng. Các ông bầu chỉ trích hoạt động của VFF, còn bản thân tổ chức quản lý bóng đá này thì lại cho rằng, chính các ông bầu phải có một phần trách nhiệm khi đầu tư cho bóng đá một cách mất kiểm soát, từ đó dẫn đến sự lệch lạc trong quá trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp.

Vậy thì lỗi của ai khi bên nào cũng cho rằng mình chỉ sai có một phần?

Nguyên nhân từ đâu thì chưa xác định, duy có một điều có thể kết luận chắc chắn rằng, với những con số mang tính so sánh nêu trên, bóng đá đang làm lãng phí khủng khiếp các nguồn tài lực của xã hội. Sẽ như thế nào nếu vài phần trăm nhỏ bé của các nguồn chi cho bóng đá được rót vào các môn cờ vua, cầu lông…

Tất nhiên, điều đó thật khó có câu trả lời xác đáng bởi bóng đá là môn thể thao có sức hút đặc biệt và nguồn lực đổ vào nó cũng phải đặc biệt. Thế nhưng, đặt vấn đề như vậy vì dư luận đang chờ đợi một cuộc cải tổ mạnh mẽ từ những người đang làm bóng đá. Để không lãng phí như vậy, không có nghĩa là phải giảm nguồn chi cho bóng đá mà làm sao để bóng đá hiệu quả hơn.

Nếu cứ tranh cãi với nhau về trách nhiệm mà không thể dẹp bỏ được tình trạng chi tiền vô tội vạ trên thị trường chuyển nhượng, tiêu cực trong giới trọng tài và không thể làm cho khán giả đến sân nhiều hơn thì dù có tranh luận bao nhiêu đi nữa, cũng chẳng giải quyết được chuyện gì. Vẫn cứ là lãng phí nếu mọi sự tranh luận, cải tổ đều không tăng được chất lượng các trận đấu, thu hút sự quan tâm của xã hội với bóng đá.

Đã đến lúc cần phải đặt câu hỏi: Có cần thiết phải lãng phí như vậy hay không?
 

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục