Ngày 30-4 năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ và quân dân huyện Trần Văn Thời. Bởi lẽ, cùng lúc huyện tổ chức kỷ niệm 35 năm, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước là kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện. Tháng 5-1950, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ quyết định thành lập huyện Trần Văn Thời, gồm 12 xã: Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Hưng, Phong Lạc, An Bình, Hưng Mỹ, Phú Hưng, Phú Mỹ, Tân Hưng Mỹ.
- Điểm tựa của các khu căn cứ cách mạng
Từ sau Đại hội Đảng bộ huyện Trần Văn Thời lần thứ nhất (đầu năm 1953), các mặt công tác kháng chiến và kiến quốc ở đây có bước phát triển mạnh mẽ. Vào thời điểm chiến trường nóng bỏng, nhân dân Trần Văn Thời đóng góp nhiều tiền, vàng, lúa gạo cho cách mạng và lực lượng dân quân tham gia chiến đấu lên đến 7.000 người.Trong khi nhiều nơi gia nhập đoàn quân du kích địa phương chủ yếu là thanh niên, nhưng ở Trần Văn Thời, đội quân nòng cốt chiến đấu tại khu căn cứ cách mạng này là các tiểu đội nữ dân quân, lão dân quân, thiếu nhi dân quân.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, cửa sông Ông Đốc trở thành khu tập kết 200 ngày, là nơi tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên… miền Nam ra Bắc. Giữa năm 1958, khi sự khủng bố của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đến mức tàn bạo và ác liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ, thanh niên và nhân dân trong huyện phải rút vào những khu rừng tràm tránh sự truy lùng của địch.
Từ đây, những ngôi nhà tạm của cán bộ chiến sĩ ta được làm bằng cây tràm, lợp bằng vỏ tràm trong rừng ngày càng nhiều, trở thành chiến khu “Làng Rừng” để phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh trước mắt, vừa là nơi tích lũy, đào tạo lực lượng; vừa là nơi rèn đúc vũ khí, là địa bàn đứng chân cho cán bộ “bất hợp pháp” gầy dựng cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng, trừ gian, diệt ác, phá tề…
- Chặng đường 60 năm
Những ngày đầu tháng 4-1975, không khí tiến công của 5 cánh quân chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn loan đến vùng đất Mũi khiến thanh niên vùng chiến khu Trần Văn Thời nô nức tòng quân. Với quân số được bổ sung mới ấy, huyện Trần Văn Thời thành lập 2 tiểu đoàn chiến đấu để phối hợp với lực lượng của tỉnh tham gia tấn công địch giải phóng Cà Mau. Ngày 30-4-1975, thông tin Sài Gòn đã được giải phóng khiến bọn địch ở Cà Mau hoang mang, hoảng loạn. Sáng 1-5-1975, quân dân ta tiến vào tiếp quản Cà Mau. Cũng trong sáng 1-5 ấy, nhân dân huyện Trần Văn Thời nhất tề đứng lên tự giải phóng cho quê hương mình.
Tháng 5-2010, huyện Trần Văn Thời vừa tròn 60 năm thành lập. Bộ mặt đô thị và nông thôn, cũng như chất lượng cuộc sống của nhân dân huyện Trần Văn Thời anh hùng đang “vào mùa” khởi sắc. Bộ mặt nông thôn mới của một huyện ven biển từng là căn cứ địa vững chắc của quân và dân ta trong kháng chiến cứu nước đang thay da đổi thịt từng ngày. Cùng với tuyến lộ giao thông nông thôn nối liền các xóm ấp, huyện Trần Văn Thời là nơi có đến 300 chiếc cầu nông thôn trên tổng số 1.588 cây cầu của chương trình “Nhịp cầu mơ ước” của tỉnh Cà Mau.
Đến nay, huyện Trần Văn Thời có gần 100 cầu nông thôn đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện, nước sạch của huyện này đạt trên 97%. 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế và có bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng, chất lượng giáo dục - đào tạo theo đó được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,85%. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và khai thác biển của huyện đã là “mỏ vàng” với tổng sản lượng bình quân hàng năm trên 100.000 tấn (trong đó sản lượng khai thác biển khoảng 80.000 tấn). Trần Văn Thời có diện tích sản xuất theo hệ sinh thái ngọt lớn nhất tỉnh. Hàng năm, sản lượng lương thực của huyện đạt trên 190.000 tấn, chiếm hơn 40% sản lượng lúa trong toàn tỉnh.
Huyện Trần Văn Thời hiện nay là nơi có dịch vụ hậu cần nghề cá mạnh nhất Cà Mau. Các khu: Cảng cá sông Ông Đốc, dự án xây dựng Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Vườn quốc gia U Minh Hạ… cũng là thế mạnh của huyện đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện sẽ tạo điều kiện để huyện Trần Văn Thời có cơ sở xây dựng thành công thị trấn Sông Đốc thành đô thị loại 4 trong tương lai không xa
N.THƯ