Lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn về quy định nồng độ cồn trong máu khi lái xe

Đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Ngày 5-2, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa đề nghị cho ý kiến và đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe. Bộ Y tế cũng đề nghị các chuyên gia và đơn vị nghiên cứu gửi đề xuất và ý kiến về Bộ Y tế trước ngày 20-2.

11-3003.jpg
CSGT đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông

Mới đây, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin quý 1 của Bộ Y tế, bày tỏ quan điểm về kiến nghị xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn "vượt ngưỡng", ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, ông ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

“Với quan điểm cá nhân của tôi, trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nếu gây tai nạn thì phải xử lý hình sự. Trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hòa”, ông Khoa nêu rõ. Đồng thời, ông Khoa cũng cho rằng, nhờ việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê và sắp tới sẽ có con số cụ thể về việc giảm số vụ tai nạn giao thông.

Liên quan đến quy định hiện hành về nồng độ cồn đối với các lái xe, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức vào cuối tháng 1 vừa qua, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, đánh giá mức xử phạt hành chính đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn đã tương đối cao, có tính răn đe tốt. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định người có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Ví dụ người uống 5 cốc bia hay 30 cốc bia đều có thể bị phạt ở mức như nhau. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.

Do đó, ông Trần Hữu Minh đề xuất nếu vi phạm nồng độ cồn vượt mức 3 vẫn nên phân tách thành các mức phạt hành chính cao hơn. Tài xế vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến mất hoàn toàn kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc thì cần xử lý hình sự.

Tin cùng chuyên mục