
Đó là khẳng định của Ban tổ chức lễ hội Chùa Bà Bình Dương trước ngày diễn ra chính lễ - rằm tháng giêng năm Ất Mùi. Thực tế, với sự chuẩn bị nghiêm túc, lễ hội lớn nhất nhì khu vực các tỉnh phía Nam này hy vọng đạt được kết quả như ý nguyện. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số lo lắng vì lượng khách thập phương đang tập trung quá đông và các hình thức mê tín dị đoan, đốt nhang… ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh trật tự.
Thông thoáng đường thỉnh lộc
Theo tư liệu, Miếu Bà Thiên Hậu có tên chữ là Thiên Hậu Cung, dân gian thường gọi là Chùa Bà Bình Dương, tọa lạc trên đường Nguyễn Du, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trước đây, Thiên Hậu Cung là ngôi miếu do các bang người Việt gốc Hoa tạo lập để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, bà là người đức hạnh, có lòng hiếu thảo, xả thân cứu người đời và khi từ giã cõi trần thì trở nên hiển linh. Bà được các triều đại phong kiến Trung Quốc sắc phong, ngưỡng mộ, phụng thờ như một vị hiển thánh. Không biết Miếu Bà Thiên Hậu được xây cất năm nào, chỉ biết lúc đầu ngôi miếu tọa lạc bên rạch Hương Chủ Hiếu. Khoảng năm 1923, sau khi ngôi miếu bị hư hỏng, các bang đã chung sức tái tạo ngôi miếu ở vị trí ngày nay. Hàng chục năm qua, Chùa Bà Thiên Hậu trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút bá tánh, khách thập phương. Lễ hội Chùa Bà Bình Dương (diễn ra vào ngày rằm tháng giêng) là một trong những lễ hội lớn nhất nhì các tỉnh phía Nam.

Chùa Bà Thiên Hậu luôn đông khách thập phương
Sáng mùng 8 Tết Ất Mùi, có mặt tại Chùa Bà Bình Dương, chúng tôi đã cảm nhận không khí lễ hội đang rất gần. Các bãi xe gắn máy chật kín, đều thu phí 10.000 đồng/xe gắn máy. Các con đường xung quanh Chùa Bà Bình Dương lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng ùn tắc. Cảnh sát giao thông, công an, dân quân, bảo vệ dân phố phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một luôn túc trực ngay cổng và các tuyến đường lân cận để đảm bảo an ninh và trật tự giao thông. Hàng chục cửa hàng bán đồ lễ, nhang, đèn… nườm nượp khách thập phương. Tình trạng chèo kéo mua bán nhang, đèn, lộc, lễ vật, vé số đã được các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Bước ra từ cửa hàng bán đồ lễ gần chùa, trịnh trọng cầm lễ vật trên tay, bà Nguyễn Ngọc Liên, 59 tuổi, đến từ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho biết: “Đã trở thành tục lệ rồi, mùng 8 Tết mỗi năm, tôi và gia đình đều đi viếng Chùa Bà Bình Dương. Mấy năm trước kẹt xe dữ lắm, năm nay đỡ hơn nhiều rồi. Đường đến chùa đã khang trang, rộng rãi, mấy chú cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ từ xa nên đường rất thông thoáng. Mấy người ăn xin, bán vé số, bán nhang đèn cũng không còn chèo kéo, quấy rầy. Năm ngoái, tôi thỉnh lộc bà, Tết này tôi đi trả lễ và tiếp tục thỉnh lộc, đèn treo để ước mong cả năm mạnh khỏe, làm ăn phát tài, may mắn”.
Chiêm bái trong trật tự
Trời càng về trưa, đường dẫn vào Chùa Bà càng đông. Lối đi vào vẫn thông thoáng. Ngay trước bát nhang lớn ở sân trước Chùa Bà, hàng chục người thành kính cầu khẩn. Dù mua nhang hay không, mỗi người vẫn chỉ được đốt 2 cây nhang. Vừa thu bó nhang to trong tay khách thập phương, anh bảo vệ mềm mỏng động viên: “Anh, chị gửi bó nhang này lại cho chùa. Mỗi người chỉ được đốt 2 cây nhang thôi. Một cây ở ngoài sân và cây khác ở chính điện”. Hàng chục nhân viên nhà chùa rải dọc lối đi và kiên quyết không để bá tánh mang nhiều nhang vào chùa. Dù đã kiên quyết như vậy, nhưng bát nhang to lớn ngoài sân chốc chốc lại bùng cháy. Các nhân viên liên tục dùng cây sắt cào nhang vào một máng nước to bên dưới. Trời nóng hừng hực, bên trong chính điện đã bố trí nhiều quạt hút và các cửa đều mở rộng, nhưng khói nhang vẫn mù mịt. Hàng trăm người tụ tập, len lỏi vào sát khu vực đặt lễ. Lễ vật chỉ đặt xuống khu vực trước tượng bà Thiên Hậu chừng vài phút đã được nhân viên chuyển ra. Hàng chục người khác thành tâm đứng từ xa hướng về tượng bà Thiên Hậu bái vọng. Dù nhân viên nhà chùa đã kiên quyết thu nhang từ cửa vào, nhưng không hiểu sao vẫn có người đem được giấy tiền, vàng bạc và những cây nhang to lớn vào chánh điện. Ngoài việc canh giữ, các nhân viên liên tục nhắc nhở mọi người bảo quản kỹ tài sản cá nhân.

Dâng hương tại chính điện Chùa Bà Thiên Hậu
Tại nơi làm việc, hội họp và kho chứa đồ, gọi chung là Thất phủ công sở, chúng tôi đã gặp ông Lưu Cam, Trưởng ban Quảng Đông, Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Bà Bình Dương năm 2015. Chỉ tay vào màn hình camera quan sát, ông Lưu Cam cho biết: “Dù ngày rằm mới đúng ngày lễ hội nhưng thập phương, bá tánh từ các tỉnh, thành phía Nam đã đến viếng chùa từ trước Tết. Có lúc sân chùa đông kín người. Năm nay, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo tốt. Với mục tiêu đảm bảo phòng cháy cũng như an toàn tài sản cho khách thập phương dâng hương, lễ vật, viếng bà… Ban tổ chức lễ hội đã tăng cường rất nhiều lực lượng. Bên ngoài chùa là các lực lượng công an, quân sự, dân quân, trật tự của tỉnh Bình Dương, TP Thủ Dầu Một và phường Phú Cường; bên trong là anh em nhân viên của các bang hội ở chùa. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường lực lượng bảo vệ tư nhân và lắp đặt thêm hệ thống camera quan sát. Mấy năm trước đây, tình hình móc túi, điện thoại di động… diễn ra rất phổ biến nhưng năm nay đỡ hơn rất nhiều. Chúng tôi chỉ ghi nhận có vài trường hợp. “Nhất cử, nhất động” có chuyển biến gì là chính quyền địa phương có mặt can thiệp ngay. Nhờ đó, tình trạng ăn xin, bán vé số, bán nhang đèn… chèo kéo khách đã hầu như không còn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong muốn bá tánh thập phương đến viếng chùa đừng mang quá nhiều trang sức và cảnh giác cao độ trong việc bảo vệ tài sản cá nhân, điện thoại di động. Bao đời nay, Chùa Bà Thiên Hậu linh thiêng ở lòng thành tín, những mong khách hành hương đến với chùa bằng văn hóa tín ngưỡng chứ không nên mê tín. Bởi lẽ, Chùa Bà không tổ chức xin xăm, xem bói!”.

Khu vực bán vé số được sắp xếp nên không còn diễn ra tình trạng chèo kéo khách
Rời khu vực Thất phủ công sở, chúng tôi len lỏi trở ra chính điện. Hàng trăm người vẫn đang hướng về tượng bà Thiên Hậu thành tâm bái vọng. Một cụ bà ở độ tuổi xưa nay hiếm đang kính cẩn dâng hương và lâm râm cầu khấn cho quốc thái dân an. Lời thỉnh cầu thật đáng trân trọng!
ĐOÀN HIỆP