Lên núi tìm trà

Nhấp chén trà từ non cao xa xôi, qua lời kể của anh Phan Nhất, người làm trà shan tuyết Tủa Chùa, tôi hình dung cảnh những cô gái người Dao, Thái, Mông, Tày… đeo gùi nhấp nhô leo lên những cây trà shan tuyết, hái từng búp trà có phủ lớp tơ trắng như tuyết, kết tụ tinh khí đất trời. Vùng trà càng quyện trên mây núi cao, càng tích tụ được nguồn dưỡng chất tuyệt hảo.
Lên núi tìm trà

Nhấp chén trà từ non cao xa xôi, qua lời kể của anh Phan Nhất, người làm trà shan tuyết Tủa Chùa, tôi hình dung cảnh những cô gái người Dao, Thái, Mông, Tày… đeo gùi nhấp nhô leo lên những cây trà shan tuyết, hái từng búp trà có phủ lớp tơ trắng như tuyết, kết tụ tinh khí đất trời. Vùng trà càng quyện trên mây núi cao, càng tích tụ được nguồn dưỡng chất tuyệt hảo.

Hương trà shan tuyết cổ thụ dịu ngọt lan tỏa, màu nước sánh vàng như mật ong mang vị chát nhẹ, hậu ngọt thanh làm tôi say mê. Mê mây núi, mê trà… tôi tìm về những gốc trà san tuyết quý hiếm hàng trăm năm tuổi, trải dài từ Đông Bắc sang Tây Bắc.

Trà shan tuyết Suối Giàng

Đến xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), tôi khẽ ngâm nga câu thơ Xuân Diệu: Chè Suối Giàng xanh trên non cao/ Lá dày, nhựa mỏng ánh như sao/ Mặt trời dọi tới sáng trên lá/ Như bốc hương xa thơm dạt dào/ Chè tự bao đời thành cổ thụ.

Tôi ngỡ ngàng khi thấy những cây trà cổ thân uốn lượn xù xì, trắng và mốc, cành tỏa ra rất lớn, lá xanh ngát. Cây trà lâu năm nhưng không cao lắm, đường kính thân hai, ba người trưởng thành ôm mới kín.

Cây trà shan tuyết Suối Giàng

Nằm trên độ cao 1.400-2.200m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 20oC, sương mù giăng mắc quanh năm, giống trà cổ thụ shan tuyết Suối Giàng phát triển tự nhiên trên dãy Hoàng Liên Sơn. Hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh nên trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất. Thế nên có người ngỡ ngàng: “Tôi đã đi qua 120 nước có trà, nhưng chưa thấy ở đâu có cây trà lâu năm như Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn cây trà? Trà ở đây độc đáo, trong bát nước trà xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của trà trên thế giới” - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô K. M. Djemmukhatze ghi trong sổ lưu niệm của Ủy ban Nhân dân xã Suối Giàng năm 1960.

Trà shan tuyết Tủa Chùa

Huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) là cao nguyên đá nằm ở độ cao 1.585-1.874m so với mực nước biển, nơi sương và mây bốn mùa bao phủ. Vùng trà cổ tập trung ở các xã Tả Phình, Sính Phình, Tả Sìn Thàng và Sín Chải, trong đó Tả Sìn Thàng và Sín Chải có khoảng 7.000 cây trà cổ, 300-400 năm tuổi. Bà con người Mông ở đây gọi trà là “cây bất tử”.

Những cây trà shan tuyết cổ thụ này tích tụ sức sống mãnh liệt bằng tinh túy đất trời và khả năng thích ứng tuyệt vời với thời tiết khắc nghiệt. Được nuôi dưỡng bởi sương núi qua nhiều năm, không sử dụng bất cứ loại thuốc hay chất hóa học nào, nên trà Tủa Chùa là một sản vật.

Trà shan tuyết Tà Xùa

Xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) có độ cao trung bình 1.500m, đỉnh cao nhất lên đến 2.300m so với mực nước biển. Xã gồm toàn người Mông cư trú, nằm gọn trong những đồi trà quanh năm sương mù bao phủ. Cây trà vạm vỡ, rêu phong, địa y bám đầy từ gốc đến thân, cành, làm cho lá to, dày, búp mập. Toàn xã hiện có khoảng 72 ha trà, với 250-300 cây trà cổ, cao 10-15m, bán kính thân 10-40cm. Ở nơi quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành, mát lạnh nên búp trà Tà Xùa tươi mập và phủ tuyết đậm hơn so với các vùng trà cổ khác.

Trà shan tuyết Lũng Phìn

Ngược lên cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), vượt qua bao nhiêu cung đường uốn cong, hiểm trở bên vách đá, bên vực sâu, chúng tôi tìm đến được danh trà Lũng Phìn. Trà Lũng Phìn là cây cao niên, mọc dọc thung lũng có khe suối chảy trên cao nguyên ở độ cao khoảng 1.800m, giữa ba bề núi đá bao quanh và suốt bốn mùa mây mù bao phủ.

Điểm dễ phân biệt trà Lũng Phìn với các loại trà khác là cây trà luồn bộ rễ chắc khỏe xuống nền đất đỏ pha đá xám để hút chất dinh dưỡng và uống sương. Bà con chỉ hái mỗi năm ba vụ trà: trà xuân hái vào tháng 4, 5 Âm lịch, trà hè - thu hái vào tháng 8, 9 Âm lịch và vụ cuối hái vào tháng 10 Âm lịch.

Anh Ly Mí Pó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lũng Phìn, cho biết: “Toàn xã hiện có 77ha chè shan tuyết, trong đó 50ha đang cho thu hoạch. Đặc biệt, xã đang lưu giữ 5.800 gốc trà bản địa (14ha), tuổi từ 70 năm đến hàng trăm năm nằm rải rác trong vườn, nương của các gia đình”.

Trà shan tuyết Pà Cò

Tới huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), vượt qua những con dốc dựng đứng uốn lượn ngoằn nghèo thêm hơn 10km sẽ tới một thế giới riêng, xã Pà Cò của người Mông. Dãy núi đá vôi Pà Cò là nóc nhà của tỉnh Hòa Bình, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, cao tới 1.343m, địa hình núi cao, độ dốc lớn, nhiệt độ trung bình 23 độ C.

Tại bản Trà Đáy, được coi là thủ phủ cây trà cổ Pà Cò, bên chén trà ngát hương, cụ Sùng A Tô (73 tuổi) kể: “Tôi sinh ra đã thấy những gốc chè to hai, ba người ôm rồi. Không biết cây chè có ở đây từ bao giờ, chỉ nghe các cụ nói lại thôi. Chuyện xưa có con chim đại bàng từ đâu bay đến, ăn quả rồi nhả ra hạt rất lạ. Hạt rơi xuống đất, lớn lên thành cây. Dân nhấm thử lá cây, thấy tinh thần sảng khoái, từ đó truyền nhau lấy lá về vò uống”. Lá cây đó chính là trà shan tuyết.

Chúng tôi choáng ngợp trước những cây trà cổ thụ, có gốc phải hai người trưởng thành dang tay ôm mới kín, cùng lúc cả chục người leo trèo hái thảnh thơi. Lá trà to, dài, xanh ngắt, đầy đặn, đen thẫm, cây trà gốc to xum xuê, mỗi gốc trà phải có 9-10 người trèo lên hái búp cùng một lúc.

Trà shan tuyết Tô Múa

Nằm trên độ cao 1.080m so với mực nước biển, bản Cho Đáy (xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) có gần 4ha trà cổ thụ. Giống trà cổ thụ ở Tô Múa có đặc điểm lá to, búp dày, được những bậc tiền nhân trong bản mang từ Đà Bắc (Hòa Bình) về trồng tới nay đã 5-6 đời.

Trà cổ ở đây không to nhiều người ôm, không có các nhánh đan cài nhau như ở Suối Giàng, mà thường mọc thẳng và xòe các nhánh lên trên nhiều hơn. Điểm chung là lá trà to và xanh ngắt.

Ông Hà Văn Quynh, 47 tuổi, người Thái đen, ở bản Cho Đáy, cho biết: “Cây trà trồng từ thời ông bà, lấy giống ở đâu về không biết”. Hiện nhà anh có hơn 400 cây trà shan tuyết lá to, cây già nhất khoảng 300 tuổi.

Ông Hà Văn Quynh hái lá trà shan tuyết Tô Múa để pha trà đãi khách. Ảnh: Hữu Vi

***

Tìm đến những vùng trà cổ vào mùa xuân, khi tiết trời mát mẻ, những cây trà sung sức bắt đầu nhú những chồi non nhỏ xíu, có thể xem các cô gái người Dao, Thái, Mông, Tày hái những chồi này, gọi là “lẩy đinh” vào buổi sớm mai khi chưa có ánh mặt trời. Họ nhẹ nhàng, cẩn thận chăm chút từng “đinh trà” mang từ vườn về nhà thật nhanh.

Trà vừa hái được đưa về bản, cho lên chiếc chảo gang trên bếp lửa hồng để làm héo, và qua những bàn tay kinh nghiệm, những búp trà xoăn lại theo từng nhịp vò. Việc sao trà bắt nguồn từ tổ tiên, bà truyền cho mẹ, rồi mẹ truyền cho con, mối liên kết vững bền ấy từ bao đời qua không hề mai một.

Đi qua những vùng trà cổ thụ Việt Nam, mỗi điểm đến cho chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ. Còn nhiều vùng trà nữa mà chúng tôi chưa đến được, đành hẹn vào những mùa xuân sau.

Nhấp chén trà cổ từ non cao xa xôi, tôi cảm nhận được cả mây núi bảng lảng, bập bềnh tuyệt đẹp rơi vào búp trà, quyện vào chén trà ngát hương.

VI LÊ

Tin cùng chuyên mục