Tìm hướng xuất khẩu mới
Theo hãng tin The Australian, ông Scott Morrison cam kết sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc. Đồng thời, thừa nhận đã có những căng thẳng trong mối quan hệ sau khi Trung Quốc áp đặt mức thuế tạm thời lên tới 107%-212% đối với rượu vang xuất khẩu của Australia kể từ ngày 27-11, với lý do các sản phẩm này bị bán phá giá vào Trung Quốc. Tính từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu rượu vang Australia nhiều nhất thế giới, với giá trị nhập đạt 880 triệu USD.
Phản ứng trước động thái của Bắc Kinh, Thủ tướng Australia cho rằng, hàng loạt tranh cãi nổ ra đã đẩy quan hệ hai bên lao dốc. Đứng trước khó khăn trên, Chính phủ Australia đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với Anh và Liên minh châu Âu (EU), để mở rộng cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, chính phủ nước này cũng đang xem xét việc đệ đơn lên WTO để phản đối mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch nhập khẩu của Australia từ tháng 5-2020. Ông Birmingham nhấn mạnh, Chính phủ Australia đang xác định thời điểm và chuẩn bị đầy đủ bằng chứng cho việc kháng cáo lên WTO.
Mức áp thuế mới của Trung Quốc được công bố chỉ 3 tháng sau khi nước này tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào rượu vang Australia và triển khai thêm biện pháp tăng thuế hoặc áp dụng quy định mới chặt chẽ hơn nhằm vào nhiều mặt hàng khác của Australia từ tôm hùm, than, đồng và lúa mạch. Trong đó, lúa mạch là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Australia.
Hàng năm, Australia cung cấp khoảng 1,5-2 tỷ AUD (800 triệu - 1,3 tỷ USD) lúa mạch vào thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Phía Trung Quốc tuyên bố, nước này thực hiện các biện pháp đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Hai bên cùng thiệt hại
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia lâm vào bế tắc từ năm 2018, khi Canberra cấm Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G tại Australia. Tình hình trở nên xấu hơn sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi mở một cuộc điều tra nhằm vào nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc leo thang căng thẳng thương mại khiến hai bên sẽ cùng chịu tổn thất. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế giữa các bên thì việc leo thang căng thẳng thương mại chưa hẳn đã là một bước đi phù hợp.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, trong khi xứ sở chuột túi là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 lên tới 235 tỷ AUD (170 tỷ USD). Nền kinh tế Australia có mức độ phụ thuộc thị trường Trung Quốc lớn nhất thế giới khi hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu và 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dựa vào quan hệ kinh tế - thương mại với đất nước đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc cũng là nhà cung cấp lớn những mặt hàng thiết yếu đối với các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Australia bao gồm internet vạn vật, quản lý kỹ thuật số và nhiều loại công nghệ khác… Trong khi đó, Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung và vẫn rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao với giá cả hợp lý từ Australia.
Thống kê cho thấy, Trung Quốc nhập khẩu từ Australia hơn 60% lượng quặng sắt, 60% lượng than cốc, gần 25% lượng than cung cấp cho các nhà máy điện và hơn 50% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).