Liên hoan nhưng thưa thớt khán giả

Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương TPHCM lần thứ XVII - năm 2020 vừa khép lại sau 4 đêm thi diễn sôi nổi tại Nhà hát Thành phố. Ban tổ chức đã trao tặng hơn 80 giải thưởng dành cho các tiết mục xuất sắc nhất ở các thể loại.
Liên hoan nhưng thưa thớt khán giả

Dõi theo các đêm thi diễn, có thể thấy sức hấp dẫn của liên hoan năm nay chính là sự nỗ lực đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng của 22 trung tâm văn hóa (TTVH) quận huyện. Những người làm công tác văn hóa cơ sở dàn dựng từng chương trình công phu, thậm chí khá chuyên nghiệp…

Tuy nhiên, ngay từ buổi đầu tiên diễn ra liên hoan, khán phòng Nhà hát Thành phố vắng hoe, có chưa tới 50 người, trong đó có cả ban tổ chức, ban giám khảo, phóng viên các báo đài.

Ở đêm thi diễn thứ hai, số người xem đông hơn một chút nhưng cũng chủ yếu là thành viên các đội thi hoặc người nhà nghệ sĩ tới cổ vũ. Khi vừa diễn xong, hầu hết các đơn vị đều ra về; không khí giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thiếu vắng hẳn. Khi được hỏi về tình trạng không người xem, ban tổ chức liên hoan cho biết, đó là tình hình chung. Các liên hoan, hội thi, hội diễn rất khó kéo khán giả đến xem, kể cả các đơn vị tham dự liên hoan, đội nào thi xong cũng thường tranh thủ về sớm. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Phi Hải, Phó Giám đốc TTVH quận Bình Thạnh, chia sẻ, phải nhìn nhận nỗ lực rất lớn của ban tổ chức khi duy trì việc tổ chức 17 kỳ liên hoan liên tiếp, để phát huy giá trị của các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống, dân gian. Nhưng sau liên hoan, các chương trình hiếm có dịp tái dựng và biểu diễn phục vụ công chúng, dù kinh phí đầu tư ban đầu không hề nhỏ.

Ở các quận huyện, các tiết mục dự thi thường bị xé lẻ để sắp xếp đưa vào các chương trình phục vụ định kỳ hàng năm, gắn với lễ hội, tết, phục vụ sân khấu học đường, tổng kết các hoạt động tổ dân phố, mặt trận… được khoảng 10 suất diễn/năm. 

Nỗi buồn liên hoan văn hóa - nghệ thuật thưa thớt khán giả đến xem; chương trình thi diễn xong hiếm hoi cơ hội quảng bá, phục vụ, đã và đang khiến các liên hoan, hội thi, hội diễn bị gói gọn chỉ là những cuộc chơi đơn thuần của người trong nghề. Tổ chức liên hoan mà không thể đem những tác phẩm được dàn dựng công phu phục vụ đời sống dân sinh là điều đang tồn tại ở nhiều sân chơi nghệ thuật.

Dù mục tiêu đặt ra ban đầu của hầu hết các liên hoan, hội thi, hội diễn là nâng cao chất lượng, nắm bắt nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của khán giả thời đại mới, đưa tác phẩm nghệ thuật đi vào đời sống dân sinh, nhưng sự thưa thớt khán giả, hay nói thẳng ra là chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cấp quản lý thì những liên hoan, hội diễn chỉ đem lại những nốt lặng buồn cho người làm nghề chân chính.

Tin cùng chuyên mục