Nhắc đến xứ Đoài, người ta không thể không nói tới núi Ba Vì. Nhất cao là núi Ba Vì/Thứ ba Tam Đảo thứ nhì Độc Tôn. Thực ra, so với Tam Đảo cao 1.581m thì Ba Vì vẫn còn thấp hơn gần 300m. Nhưng Ba Vì vẫn được xem là cao nhất bởi trong tâm thức, tâm linh của người xưa đây là nơi ngự của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Là người Việt, ai cũng biết câu chuyện thần thoại kể về cuộc đọ sức lở đất nghiêng trời của Sơn Tinh với Thủy Tinh. Sơn Tinh đã phải dùng phép thuật nâng cao núi để ngăn lũ dữ trong cơn cuồng ghen của Thủy Tinh, vị thần nước si tình bậc nhất vì không lấy được con gái vua Hùng Vương. Ba Vì cao nhất vì lẽ đó, nói như Nguyễn Trãi thì Núi ấy là núi Tổ của nước ta (Dư địa chí).
Năm Bính Thân 1836 vua Minh Mạng đã cho đúc cửu đỉnh làm biểu tượng cho uy thế và sự vững bền của nhà Nguyễn. Trên thuần đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 cân) vua Minh Mạng cho chạm khắc hình núi Tản Viên vào cùng với hình cửa Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Năm Canh Tuất 1850, ông vua thi sĩ Tự Đức xếp Tản Viên vào hàng danh sơn của đất Việt và được ghi vào tự điển để cúng tế hàng năm. Tản Viên sơn trong mắt của người láng giềng phương Bắc là chiếc đầu Rồng hùng vĩ còn thân của linh vật này không gì khác chính là dãy Trường Sơn trùng điệp chạy dài từ Bắc về Nam.
Chuyện xưa còn truyền lại hôm nay, rằng để chế hãm nước Nam không phát được vương, vua nhà Đường đã cử vị tướng kiêm phù thủy Cao Biền dùng pháp thuật đào trăm giếng bao quanh chân núi Ba Vì hòng trấn yểm và triệt diệt long mạch nước ta. Nhưng vì oai linh của Thánh Tản Viên nên mưu xấu của người phương Bắc không thành, giếng nào đào sắp xong cũng đều bị sập. Việt Nam thời nào cũng có hiền tài, văn hiến vững bền muôn thuở.
Núi Tổ Ba Vì có Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không/Hạo khí quan mang vạn cổ tồn (Dáng hình sừng sững ngang trời rộng/Hạo khí mênh mang vạn thuở còn) như đôi câu đối ở đền Và, nơi thờ Thánh Tản Viên. Cảnh vật chốn này vừa hùng vĩ, vừa bao la, vừa thơ mộng. Hùng vĩ bởi Ba Vì sừng sững làm trấn sơn cho cả nước. Bao la bởi vùng đồng bằng mỡ màu điểm xuyết những gò đồi thấp thoải. Thơ mộng bởi những dòng sông, con suối, rừng cây, làng mạc êm ả vây quanh. Nhiều danh lam thắng cảnh quây tụ về đây như Ao Vua, Khoang Xanh – Suối Tiên, Thác Mơ, Thác Đa, Thác Ngà, Thác Hương, núi Đá Chẹ, rừng thông Đá Chông, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô, hồ Tiên Sa, đồi cò Ngọc Nhị…Đường lên núi Tản quanh quanh, đỉnh non, cây cối bảng lảng trong mây vờn sương phủ thật huyền ảo.
Du khách đến Ba Vì trong một hành trình du lịch thắng cảnh, văn hóa, tâm linh nhiều thú vị. Khí hậu núi Ba Vì mát mẻ, trong lành chẳng khác mấy Đà Lạt, Sa Pa rất phù hợp với việc nghỉ dưỡng, leo núi, đi bộ. Không gian tĩnh mịch, êm đềm tạo những khoảng lặng đáng yêu trong cuộc sống vốn rất nhiều ồn ào như hiện nay. Ta có thể tận mắt thấy hàng chục loài cây quý hiếm đang có mặt ở Ba Vì như bách xanh, thông tre, sến mật, giổi lá bạc, bát giác liên, hoa tiên, râu hùm, sam bông, ba gạc… Sườn Tây núi Tản Viên còn sót lại hàng chục cây bách xanh cổ thụ.
Đứng trên vời vợi Ba Vì, ta thêm dịp ngẫm nghĩ về vị thế non sông, về những huyền tích dựng nước giữ nước của dân tộc trong suốt mấy ngàn năm lịch sử thăng trầm dâu bể. Trên và quanh Ba Vì xưa cổ có rất nhiều đền, đình linh thiêng như các đền Trung, đền Hạ, đền Thượng, đền Đá Đen, đền Và, đền Măng Sơn, đền Khánh Xuân, đền Vật Lại, đình Yên Nội, đình Tây Đằng, đình Mỗ Lao, đình Quất Động, đình Đông Viên, đình Quang Húc, đình Phú Thứ, đình Thanh Hùng, đình Thụy Phiêu… thờ Thánh Tản Viên.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một nơi linh thiêng được nhiều người đến viếng thăm hương khói. Ngôi đền thờ Bác do kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Trực Luyện thiết kế mang phong cách cổ, 2 tầng 8 mái đao cong nhìn về hướng Nam nằm ở độ cao 1.296m tại đỉnh Vua.
Gắn liền với tên tuổi, công tích của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, núi Ba Vì thật xứng danh là núi Tổ của Đất Việt. Con cháu muôn đời về đây nơi Ba Vì cao ngất tầng mây để tưởng vọng tới Tản Viên sơn thần/Đệ nhất phúc đẳng thần/Đệ nhất bách thần/Thượng đẳng tối linh thần/Nam thiên thánh tổ vốn là vị anh hùng dân tộc có công chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, khai sáng văn hóa, liên kết các bộ tộc Việt – Mường của non sông Việt Nam.
THANH KHÊ