6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TPHCM ước đạt 162.200 tỷ đồng, tăng 11% (trong khi cả năm 2009 chỉ tăng 8,5%). Con số cho thấy sắc xanh đã quay trở lại, kinh tế TP đã phục hồi. Hàng hóa sản xuất trong nước chiếm phần lớn thị trường, một số hàng xuất khẩu chủ yếu tăng cao: sữa tăng 35,8%; hàng may mặc tăng 13,8%, giày dép tăng 11%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,7%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 3,8%.
Đáng chú ý là các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao nếu cùng kỳ “âm” thì giờ đã bật dậy mạnh. Cụ thể, ngành cơ khí chế tạo tăng 31,2% (cùng kỳ giảm 7,8%), điện - điện tử tăng 21,5% (cùng kỳ giảm 0,4%), sản phẩm từ cao su tăng 14,5% (cùng kỳ giảm 4,6%).
Dù vui với đà tăng trưởng, nhưng cuộc họp kinh tế - xã hội giữa năm của UBND TPHCM vẫn nghiêm túc bàn đến 5 nhóm giải pháp đảm bảo kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt chỉ số GDP 11% trong năm 2010. Cuộc họp đã bàn và tận dụng hết các giải pháp từ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư đến giải pháp điều hành linh hoạt, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho TP phát triển…
Bởi 6 tháng cuối năm 2010 là khoảng thời gian quyết định không chỉ việc phục hồi kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2010 mà của cả nhiệm kỳ (2005-2010) - trong đó, có cả gánh nặng về hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Từ nay đến cuối năm, TP còn phải tập trung cho đại hội Đảng các đảng bộ cấp trên cơ sở, của Đảng bộ TP, bên cạnh chuyện “về đích” cho nền kinh tế. Phải lo nhiều chuyện lớn, nhưng có những chuyện tưởng chừng như nhỏ lại được người đứng đầu chính quyền thành phố hết sức quan tâm, tìm biện pháp xử lý rốt ráo.
Khi Hội Nông dân TP báo cáo xã Lý Nhơn còn tồn hơn 40 ngàn tấn muối, diêm dân không biết bán đâu, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân quay qua đề nghị Saigon Co.op mua giúp nông dân. Khi biết một mình Saigon Co.op không thể tiêu thụ hết số muối đó, Chủ tịch Lê Hoàng Quân trần tình: “Phải tìm cách giúp diêm dân chứ, nguồn sống của bà con chỉ trông cậy vào đó mà không bán được thì khổ lắm!”. Chủ tịch quyết liệt: “Giao Saigon Co.op mua 5 ngàn tấn, lãnh đạo Sở Công thương đi “thương thuyết” với các nhà máy chế biến muối mua 15 ngàn tấn, còn 20 ngàn tấn tôi lo!”. “Tôi cũng đi nhờ người ta thôi, Tổng Công ty Muối Việt Nam đóng trên địa bàn TP mình, mình liên hệ đề nghị họ tiêu thụ cho diêm dân” - đồng chí Chủ tịch nói.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở LĐTB-XH, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn, bà con đã phản ánh việc còn gần 1.000 học sinh không có lớp học. Nguyên nhân là do huyện có nhiều dân nhập cư, trẻ em đông, không lo xuể. Chủ tịch gọi ngay lãnh đạo huyện huyện Hóc Môn hỏi cho ra lẽ. Dù lãnh đạo huyện cho biết đã giải quyết, xây thêm 6 trường và lắp ghép nhà tiền chế làm lớp học, nhưng Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói: “Khai giảng tôi sẽ đến kiểm tra!”. Ông cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội, HĐND quan tâm giám sát, kiểm tra vấn đề này trên các địa bàn.
Với cách suy nghĩ luôn hướng về dân, xắn tay áo giải quyết chuyện của dân nên dù con số chi thường xuyên 6 tháng đầu năm có tăng nhưng nó sẽ không làm người dân lo ngại mà trái lại rất vui. Bởi nhìn lại mới thấy, chi tăng là do lo cho an sinh xã hội. Cụ thể là tăng định mức khoán chi quản lý hành chính, các định mức chi trong lĩnh vực giáo dục, y tế (nói chung là phúc lợi xã hội); chăm lo, hỗ trợ tết cho người nghèo và diện chính sách với số lượng tăng, mức tiền tăng; tăng mức lương tối thiểu theo Nghị định 28. Cái lo lớn nhất mà thành phố tập trung giải quyết vẫn là chuyện của dân…
Hàn Ni