“Lô cốt” và sự phát triển đô thị

“Lô cốt” là cách gọi nôm na của người dân về những công trình đào đường có rào chắn. Cách gọi này được báo chí dùng thường xuyên, và cũng xuất hiện luôn trong các kỳ chất vấn của Hội đồng Nhân dân. Ở một thành phố năng động như TPHCM thì đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quyết định để thu hút đầu tư, thu hút du khách và làm bệ phóng cho sự phát triển mọi mặt. Vì vậy, “lô cốt” xuất hiện cũng không phải là điều gì bất bình thường và cư dân đô thị cũng sẽ dễ dàng chấp nhận. Thế nhưng, để “lô cốt” giờ đây trở thành nỗi ám ảnh của người dân thì phải xem lại trách nhiệm trong điều hành, quản lý và thực thi.

Trước khi “lô cốt” xuất hiện ngày càng dày đặc trong khoảng 2 năm gần đây, việc đào đường để thi công các công trình ngầm, công trình nổi cũng đã bắt đầu nở rộ trong nhiều năm trước đó. Muốn thay đổi bộ mặt của một đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như những tiêu chí đô thị văn minh thì hàng loạt công trình phải được cải tạo, nâng cấp: ngầm hóa lưới điện, điện thoại; cải tạo hệ thống cấp thoát nước; nâng cấp vỉa hè… Đó là những công việc mà người dân mong chờ và đóng góp kinh phí qua ngân sách để thực hiện. Thế nhưng, có một thực tế là quá nhiều công trình không mang lại hiệu quả và đúng mục đích, lại còn gây khó khăn cho sinh hoạt người dân.

Liên tục có tình trạng đơn vị này vừa đào xong thì đơn vị khác lại đào xới lên tiếp. Có những tuyến đường bị băm nát không thương tiếc để rồi sau những lời hứa của đơn vị thi công thì mặt đường trở thành những lát cắt nham nhở, thường xuyên gây ra tai nạn giao thông. Có những vỉa hè với những phiến đá bó vỉa có lịch sử hàng trăm năm bị đào lên để thay bằng những khối bê tông vô hồn, rồi chỉ một thời gian ngắn sau phải xới lên để làm lại…

Người dân bức xúc phản ánh, cơ quan quản lý chấn chỉnh nhưng việc duy trì không được lâu, các công trình thi công ẩu, kém chất lượng vẫn không giảm. Rồi khi “lô cốt” xuất hiện, tình trạng kẹt xe, khói bụi, tai nạn chết người… xảy ra ngày càng nhiều. Có lúc, chính quyền một phường của quận 1 đã phải lên tiếng “cầu cứu” vì bị “lô cốt” phong tỏa khiến việc đi lại của người dân trong phường hết sức khó khăn.

“Lô cốt” xuất hiện là một tất yếu để triển khai những dự án lớn mà chính quyền thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm mang lại phúc lợi cao nhất cho người dân. Hoàn thành những công trình này, bộ mặt đô thị TPHCM sẽ được nâng cấp một bước, đáp ứng tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng để “lô cốt” trở thành nỗi ám ảnh của người dân thì ngoài trách nhiệm trực tiếp của các đơn vị thi công, chủ đầu tư, còn có vai trò điều hành, giám sát của các cơ quan chuyên môn, các nhà điều hành và quy hoạch vĩ mô.

Bất kỳ một đô thị hiện đại nào trên thế giới cũng phải trải qua quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp và duy tu, nhưng cách làm mỗi nơi cho thấy khả năng điều hành quản lý của nơi ấy. Những “lô cốt” hiện nay sẽ “thân thiện” hơn nếu bên trong đó đơn vị thi công tích cực làm việc chứ không phải là nơi để đổ xà bần, phơi phóng quần áo. Cuộc sống người dân sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nếu các công trình tập trung thi công vào giờ thấp điểm, vào ban đêm rồi dọn dẹp trả lại mặt bằng cho ngày hôm sau.

Bộ mặt giao thông thành phố sẽ không bị rối loạn nếu kế hoạch thực hiện các dự án được tính toán khoa học, chặt chẽ, thi công dứt điểm từng phần, từng khu vực, không để triển khai tràn lan, kéo dài và không thể kết thúc đúng kế hoạch vì thiếu kinh phí, vướng giải tỏa… Và chủ trương nâng cấp hạ tầng đô thị sẽ được người dân ủng hộ và xem như là trách nhiệm của mình khi nó được chính quyền và các cơ quan thừa hành điều hành và giám sát chặt chẽ, minh bạch, xử lý kịp thời và cương quyết những đơn vị thừa hành thiếu trách nhiệm.

Khi đó, “lô cốt” sẽ không còn là nỗi ám ảnh mà là một trong những hình ảnh bình thường trong phát triển đô thị. 

HOÀNG MAI

Tin cùng chuyên mục