Mới đây Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến về an toàn hồ đập, khuyến cáo các địa phương có phương án tốt nhất bảo đảm an toàn các hồ chứa nước. Nhưng hàng trăm hồ đập lớn nhỏ ở các tỉnh miền Trung đang đứng trước nỗi lo xuống cấp do kinh phí duy tu nhỏ giọt, trong khi đập xây từ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước. Người dân và các địa phương đang lo lắng trước nhiều túi “bom” nước khổng lồ này, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Mối nguy lớn
Tại Quảng Trị có 130 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có đại công trình thủy nông những năm 80 của thế kỷ trước như hồ Thạch Hãn, Rào Quán, La Ngà... nhưng phần lớn đang xuống cấp. Hồ La Ngà đang bị mối đùn thân đập gây thấm nước, sạt mái đập vùng thượng lưu. Hồ Trúc Kinh ngoài bị nước thấm còn bị lệch cửa tràn xả lũ. Đó là các hồ chứa lớn, những hồ nhỏ như hồ Triệu Thượng 1 và 2, hồ Dục Đức, Khe Lau, Miệu Bà, Trằm Trưởi, Khe Đá, Bản Của xuất hiện sạt lở vùng hạ taluy ngoài, cửa cống bị hỏng nặng.
Tỉnh Quảng Bình có trên 147 hồ chứa nước lớn, nhỏ với dung tích chứa từ vài chục ngàn đến trên 80 triệu m³. Phần lớn hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp do được xây dựng cách đây từ 30 - 40 năm. Các hồ như Trung Thuần (Quảng Trạch), Đồng Sơn thành phố Đồng Hới, Trốc Vực xã Liên Trạch (Bố Trạch), Đồng Suôn xã Hưng Trạch (Bố Trạch), Khe Trám xã Lâm Trạch (Bố Trạch), Khe Chay xã Quảng Hợp (Quảng Trạch), Tú Loan xã Quảng Hưng (Quảng Trạch), Minh Cầm xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) đang bị ngấm thân đập, nguy cơ vỡ rất cao.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 345 hồ chứa lớn nhỏ, 57 đập dâng với tổng dung tích trên 785,6 triệu m³ nước. Có 100 hồ chứa, đập nhỏ xuống cấp, trong đó 17 hồ đang ở mức “báo động đỏ”, nước bên trong lòng hồ thẩm thấu mạnh qua thân đập chảy ra ngoài, tình trạng xói lở, trượt, sạt mái hạ lưu, thân đập yếu, mặt cắt đập nhỏ, đập thấp, tràn không đảm bảo tiêu thoát lũ… tiềm ẩn nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hàng chục ngàn hộ dân vùng hạ lưu.
Lơ mơ phương án
Tại Quảng Trị, các phương án phòng chống bão lụt cho các hồ đập, thậm chí tính tới phương án xấu nhất vỡ đập có thể xảy ra nhưng công tác chuẩn bị 4 tại chỗ hết sức sơ sài, hình thức. Tại hồ chứa nước Phú Vinh, một hồ nước lớn với hàng chục triệu mét khối ở phía Tây TP Đồng Hới, thường niên vẫn không lập phương án xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho TP Đồng Hới. Vì vậy trong các tình huống tháo lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho hồ chứa khi mưa lớn, lũ trên sông Nhật Lệ, Lệ Kỳ lên cao, cùng với nước biển dâng đã gây ngập lụt thành phố Đồng Hới, thiệt hại đến tài sản và uy hiếp đến tính mạng của nhân dân mà trực tiếp là các phường Bắc Nghĩa, Đồng Sơn và xã Nghĩa Ninh, Đức Ninh trong các mùa lũ vừa qua.
Trong khi đó, thực tế tại đập Khe Vàng ở địa bàn xã Hương Liên, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, mấy năm nay công trình này không tự điều tiết được nước về hạ du để phục vụ tưới tiêu cho hơn 25ha đất sản xuất nông nghiệp, và bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân khi mưa lũ về. Đập Khe Vàng được xây dựng giai đoạn từ năm 2002 đến 2004, dung tích thiết kế 1,1 triệu m³ nước, cao trình đỉnh đập 63,8m. Tuy nhiên, đập này hiện xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và hoàn toàn không có phương án phòng chống bão lụt. Hệ thống van điều tiết nước đã hỏng không vận hành được, phần dưới chân cống đập bị bục, rò rỉ nước chảy mạnh về phía hạ du, mái thân đập thượng và hạ lưu thấm, lún sụt...
Ông Đinh Văn Nhệ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hương Liên (đơn vị quản lý khai thác và bảo vệ đập), lo lắng: “Những sự cố xuất hiện tại khu vực đập rất nguy hiểm, nước trong đập vẫn chảy xối xả về phía hạ du, không điều tiết được. Trước đó, chúng tôi đã gửi tờ trình lên UBND huyện Hương Khê báo cáo hiện trạng tìm giải pháp khắc phục, tuy nhiên đến nay chưa được đầu tư kinh phí để xử lý triệt để. Người dân (toàn xã có hơn 600 hộ) đang rất lo lắng…”.
Kinh phí nhỏ giọt
Tại các địa phương trên do phần lớn hồ chứa, đập dâng được xây dựng đã quá lâu, công tác thiết kế, thi công, quản lý thiếu đồng bộ, hàng năm lại bị thiên tai, bão lụt tàn phá. Trong lúc đó kinh phí duy tu, sửa chữa rất nhỏ giọt, nên số lượng hồ chứa, đập dâng bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng lớn. Đặc biệt, khi mùa mưa bão đang đến gần, nguy cơ vỡ đập ở một số công trình hồ chứa nước đáng báo động.
Ông Trần Duy Chiến, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, trong năm 2013, toàn tỉnh cần phải khắc phục sửa chữa, nâng cấp 26 hồ chứa và 7 đập để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. Nhưng với kinh phí phòng chống bão lụt gần 3 tỷ đồng của tỉnh chỉ đủ sửa chữa, nâng cấp cho một vài công trình cấp bách.
Ở Quảng Bình, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp tổng cộng 36 hồ chứa nước có dung tích từ 40.000m³ đến 52 triệu m³, số còn lại giậm chân tại chỗ do kinh phí eo hẹp. Bởi vậy, những công trình thủy lợi, chủ yếu các hồ, đập nhỏ chưa được sửa chữa hoặc sửa chữa tạm thời đều giao cho các địa phương và các phương án bảo vệ đều lấy từ 4 tại chỗ từ các nơi này.
Điệp khúc thiếu kinh phí luôn hiện rõ với các hồ đập, nhưng nhận thức của chủ các hồ đập từ các đơn vị quản lý cũng sơ sài, dẫn đến nhiều cá nhân xâm chiếm hành lang bảo vệ đập, lợi dụng lòng hồ thả vật liệu gỗ, bè gây giảm hiệu quả lòng hồ. Trình độ cán bộ vận hành hồ đập không đáp ứng thực tiễn đang làm khó công tác phòng chống bão lụt tại các điểm nóng xuống cấp. Hệ thống giám sát, lưu trữ thông tin các hồ đập còn lạc hậu, các cảnh báo từ hệ thống hồ đập đến người dân hầu như không có khiến dân càng thêm lo lắng khi không biết rõ thông tin về những hồ nước họ sống kề cận.
Mùa mưa bão đang vào cao điểm, lần nữa điệp khúc lo lắng hồ đập xuống cấp lại gióng lên, nhưng mọi thứ dường như đều trông chờ vào công tác 4 tại chỗ một cách lơ mơ và một phần nào đó vào may mắn để vượt qua những điều không hay có thể xảy ra.
MINH PHONG - DƯƠNG QUANG
Nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi không an toàn Theo UBND tỉnh Gia Lai, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8/39 hồ chứa thủy điện và 11/14 hồ chứa thủy lợi (có dung tích trên 1 triệu m³ nước) chưa đăng ký an toàn đập; 10/39 hồ chứa thủy điện và 9/14 hồ chứa thủy lợi (có dung tích chứa hơn 1 triệu m³ nước) chưa có quy trình vận hành hồ chứa. Bên cạnh đó, 4/39 hồ chứa thủy điện và 3/5 hồ chứa thủy lợi đến thời kỳ kiểm định theo quy định nhưng chưa được kiểm định; 1 hồ chứa thủy điện, 2 hồ chứa thủy lợi chưa cắm mốc giới xác định vùng phụ cần bảo vệ. ĐỨC TRUNG |