Tình hình cấp bách
MEF gồm 17 thành viên (Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu - EU, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Nam Phi, Anh và Mỹ), chiếm 80% GDP toàn cầu, dân số và lượng phát thải khí nhà kính.
Theo thông báo của Nhà Trắng, cuộc họp này của MEF là sự tiếp nối nỗ lực của Tổng thống Mỹ trong việc sử dụng tất cả các đòn bẩy để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Ông Joe Biden đã mời các nhà lãnh đạo cùng tham gia với Mỹ trong một loạt sáng kiến tập thể, cụ thể sẽ thúc đẩy hành động toàn cầu về khí hậu cũng như các nỗ lực an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Theo CNN, tại hội nghị của MEF, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ và EU đã khởi động bước tiếp theo trong cam kết giảm khí methane nhằm giảm 30% lượng khí phát thải vào năm 2030.
Ông Joe Biden cũng đã công bố một sáng kiến toàn cầu mới tập trung vào việc huy động 90 tỷ USD để phát triển và mở rộng quy mô các công nghệ sạch mới để khử carbon. Mỹ sẽ dành 21,5 tỷ USD cho nỗ lực này.
Ngay từ khi vào Nhà Trắng đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã đưa nước Mỹ trở lại tham gia Hiệp định Paris về cắt giảm khí thải, đồng thời cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với việc gia tăng hỗ trợ năng lượng sạch, tạo thêm việc làm cho tầng lớp lao động trong các doanh nghiệp sản xuất năng lượng Mặt trời, gió, pin và các lĩnh vực sản xuất khác.
Ông Joe Biden cho rằng số lượng các module năng lượng Mặt trời nhập khẩu chưa đủ để đảm bảo bổ sung công suất điện Mặt trời cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu và năng lượng sạch, cũng như chống lại giá nhiên liệu hóa thạch đang tăng.
Thiên tai hoành hành nhiều nơi
Theo Liên hiệp quốc (LHQ), biến đổi khí hậu nếu không được kiểm soát có thể gây thiệt hại kinh tế toàn cầu 178.000 tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại) từ nay đến năm 2070. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nếu có thể hạn chế nhiệt độ tăng dưới mức 1,5oC, từ nay đến năm 2070 có thể lãi 47.000 tỷ USD thay vì có thể thiệt hại 96.000 tỷ USD.
Trong khi đó, châu Âu - nếu trở thành khu vực trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới, có thể làm tăng GDP khu vực lên 1,8% vào năm 2070 (hoặc 730 tỷ EUR). Quá trình đưa khí thải CO2 trên khắp Bắc và Nam Mỹ trở về 0 có thể thúc đẩy GDP của khu vực tăng thêm lên 1,8%, tương đương 1.000 tỷ USD vào năm 2070, trong đó riêng Mỹ là 885 tỷ USD.
Tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều đợt thiên tai nặng nề ngay tại nhiều nước từ khi mới chớm hè. Tại Mỹ, cháy rừng cùng những đợt nắng nóng gay gắt lên đến 43oC xảy ra trên diện rộng các bang Texas, Arizona, Kansas, Oklahoma, Nebraska… ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 100 triệu người Mỹ. Nhiều bang khác lại hứng chịu trận lụt lịch sử với lượng mưa gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Trung Quốc, những trận mưa kỷ lục đã trút xuống nhiều khu vực từ đầu tháng 6 đến nay đã làm hơn 20 người chết. Lượng mưa cực lớn đã gây ra lũ lụt và lở đất, phá hủy đường sá và cơ sở hạ tầng. Khủng hoảng khí hậu khiến đợt nắng nóng ngày càng dữ dội hơn ở Nam Á. Các đợt nóng ở Ấn Độ và Pakistan gây thiệt hại nặng về người và của.
Theo báo cáo cuả LHQ, thời kỳ nắng nóng kéo dài khiến tháng 3 vừa qua trở thành tháng nóng nhất trong vòng 122 năm ở Ấn Độ và Pakistan. Cho đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ cao ở Ấn Độ và Pakistan trở nên bất thường vì tình trạng nhiệt độ cao bắt đầu quá sớm và kéo dài quá lâu.