Lo ngại tác động dây chuyền

Ngày 2-8, thêm một số quốc gia thông báo chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Niger do cuộc đảo chính tại quốc gia Tây Phi.
Đại tá Amadou Abdramane (ngồi), Người Phát ngôn của Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) tại Niger, tuyên bố đảo chính trên truyền hình quốc gia ngày 26-77
Đại tá Amadou Abdramane (ngồi), Người Phát ngôn của Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) tại Niger, tuyên bố đảo chính trên truyền hình quốc gia ngày 26-77

Tuy nhiên, Mỹ cho biết chưa có kế hoạch sơ tán công dân chính thức do không nhận thấy những mối đe dọa trực tiếp nào tới công dân và các cơ sở của Mỹ tại quốc gia này. Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo chưa có kế hoạch sơ tán chính thức tương tự.

Cũng liên quan đến tình hình bất ổn tại Niger, Euratom, Cơ quan hạt nhân của EU, cho biết không thấy rủi ro ngay lập tức nào với việc sản xuất điện hạt nhân ở châu Âu nếu Niger hạn chế xuất khẩu nguyên liệu urani. Euratom khẳng định, các cơ sở trong khối gồm 27 quốc gia này có đủ lượng urani dự trữ để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng năng lượng hạt nhân trong 3 năm.

Niger là nước cung cấp urani tự nhiên lớn thứ 2 của EU, chiếm 25,4% tổng nguồn cung urani cho EU, đứng sau Kazakhstan và trước Canada. Cuộc đảo chính quân sự ở Niger vào tuần trước đã đặt ra câu hỏi về vai trò của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đối với tương lai của nhiều nước châu Âu, nhất là Pháp.

Việc chính quyền quân sự Niger tuyên bố tạm dừng ngay lập tức xuất khẩu urani sang Pháp - nước cai trị thuộc địa lâu năm của Niger - một lần nữa nhắc nhở lãnh đạo các nước châu Âu rằng, về lâu về dài, năng lượng hạt nhân không tạo ra sự độc lập về năng lượng. Vì cho đến nay, việc đa dạng hóa nguồn cung và dự trữ tốt hàng tồn kho của châu Âu chỉ có thể giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào trong ngắn hạn.

Dù các quan chức của EU cố gắng hạ bớt nguy cơ nhưng theo ông Mohammed Soliman, Giám đốc Viện Trung Đông ở Washington, cuộc đảo chính ở Niger cho thấy tình trạng bất ổn ngày càng tăng ở khu vực Sahel, trong bối cảnh 3 năm qua đã xảy ra hàng loạt các cuộc đảo chính ở Burkina Faso, Guinea, Mali, Chad và Sudan… Biến động ở Niger, đất nước sở hữu đáng kể các mỏ urani và nhiều tài nguyên giá trị khác như vàng, đã làm dấy lên lo ngại về tác động dây chuyền sâu rộng đến kinh tế toàn cầu, cũng như gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc xây dựng nền tảng của chiến lược an ninh năng lượng châu Âu trước những cú sốc lớn đối với thị trường.

Tin cùng chuyên mục