Trong lúc các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm kiếm, xây dựng một mô hình tài chính để hỗ trợ người thu nhập thấp có thể tích cóp để mua nhà, thì một doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã “tiên phong” thử nghiệm một mô hình và không ít khách hàng đã kỳ vọng gửi gắm vào dự án. Nhưng “giấc mơ” ấy có nguy cơ tan tành khi dự án không biết bao giờ mới trở thành hiện thực, tiền đã góp có nguy cơ mất trắng…
Từ “chứng chỉ” của Vinaland
Năm 2009, Công ty cổ phần Bất động sản (BĐS) Việt Nam (Vinaland) cho ra đời sản phẩm “Chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở Vinaland”. Theo đó, Vinaland phát hành Chứng chỉ quyền mua nhà, dưới hình thức khách hàng cho công ty vay tiền như một khoản tiết kiệm để được mua nhà tại dự án Vinaland Tower (quận 7) do công ty làm chủ đầu tư. Trong thư ngỏ gửi đến khách hàng, lãnh đạo Vinaland nêu ra hàng loạt ưu điểm của chứng chỉ này, như tích lũy hàng tháng từ 5 - 10 triệu đồng để có thể chuyển đổi sang sở hữu bất động sản (BĐS) mà không cần ngay một số tiền lớn; tích lũy theo khả năng, nếu có việc đột xuất mà không góp tiếp thì quyền lợi của người gửi vẫn đảm bảo; kiểm soát được giá BĐS mua trong tương lai; tính thanh khoản cao…
Một chung cư mới xây dựng ở quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Thái Bằng
Hình thức thực hiện là Vinaland sẽ ký hợp đồng vay tiền của khách hàng, với số tiền vay là 5,1 triệu đồng (tương ứng với 1 chứng chỉ) với thời hạn cho vay 60 tháng. Mỗi khách hàng có thể mua một hoặc nhiều chứng chỉ, hàng tháng khách hàng sẽ nộp cho công ty số tiền tương đương với số lượng chứng chỉ đã đăng ký. Quyền lợi của người cho vay là được mua nhà với đơn giá gốc xây dựng, số chứng chỉ có được tương ứng với quyền mua của số mét vuông nhà. Ngoài ra, khách hàng còn được ưu tiên lựa chọn căn hộ trước khi công ty chào bán ra bên ngoài. Vinaland còn cam kết, khách hàng có quyền đề nghị công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất gộp tính theo tháng bằng 100% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ. Trong trường hợp sau 60 tháng kể từ ngày khách hàng cho vay, công ty vẫn chưa xây nhà, khách hàng có quyền yêu cầu công ty trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi suất gộp tính theo tháng bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ.
Hợp đồng “vay” tiền của Vinaland và chứng chỉ mua nhà của công ty này phát hành đã làm vỡ mộng mua nhà của nhiều người
Sau khi Vinaland thực hiện chương trình này từ đầu năm 2009, đã có hàng trăm khách hàng ký hợp đồng cho Vinaland vay vốn để có được quyền mua nhà, số tiền Vinaland thu về là hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án Vinaland Tower vẫn “án binh bất động”. Căn cứ vào hợp đồng, nhiều khách hàng tìm đến Vinaland để đòi lại tiền, nhưng không được giải quyết. Chị C.N. đã đóng cho Vinaland hơn 200 triệu đồng, theo hợp đồng, hiện nay Vinaland phải trả cho chị N. cả gốc lẫn lãi gần 400 triệu đồng. Nhiều lần chị N. tìm đến công ty, điện thoại cho lãnh đạo để đòi tiền nhưng bất thành. Tương tự, hàng trăm khách hàng khác sau khi chờ đợi mỏi mòn không thấy nhà đâu, kéo đến lấy lại tiền theo hợp đồng đã cam kết, nhưng đi lại mãi chưa thấy tiền đâu! Gần đây, Vinaland lên kế hoạch bán lại dự án, nhưng không hề đá động đến quyền lợi của các khách hàng mua chứng chỉ. Nhà đâu chưa thấy, tiền không lấy lại được, nhân sự lãnh đạo công ty thay đổi…, hàng trăm khách hàng có nguy cơ trắng tay với chứng chỉ nhà của Vinaland.
Đến quỹ tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng
Cách đây chưa lâu, Bộ Xây dựng từng kiến nghị giao UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM thí điểm thành lập hai mô hình tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp. Theo đó, mô hình thứ nhất là Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và DN trong nước vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cá nhân, hộ gia đình tham gia phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, với mức tối thiểu trong thời gian 5 năm. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng hai lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm, mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5% - 8,5%. Mô hình thứ hai là thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà cho các cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay. Hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc. Tuy nhiên đề án nói trên cũng không trở thành hiện thực vì thiếu tính khả thi.
Theo TS Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Thuduc House, đây là bài toán đã được bàn rất nhiều nhưng chưa có lời giải hữu hiệu. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình vẫn rất cao nhưng khả năng tài chính để trả cho chủ đầu tư dường như bế tắc, họ phải dựa vào những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như vay Ngân hàng Chính sách xã hội, vay gói 30.000 tỷ đồng…, nhưng những chính sách trên vẫn rất giới hạn đối tượng, thời gian. Lâu dài vẫn là từ sức dân, Nhà nước nên xây dựng một mô hình mà ở đó người lao động nào cũng có thể tham gia. Thời gian qua, nhiều khách hàng do không đủ khả năng tài chính để chọn những dự án đã hoàn thiện để mua, nên phải dựa vào những dự án “hình thành trong tương lai” để trả tiền theo tiến độ, nên không ít khách hàng lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết đa số doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam có vốn không quá 1.000 tỷ đồng, mà phần lớn chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng từ 15% - 20% tổng mức đầu tư dự án, còn lại là vốn vay ngân hàng. Vì vậy, nguồn vốn cho BĐS là yếu tố then chốt. “Hiện chúng ta vẫn chỉ đang huy động từ 3 nguồn vốn là từ người dân, doanh nghiệp và hệ thống tín dụng. Nếu theo thông lệ quốc tế thì điều này chưa đủ. Do đó, cần có quỹ tài chính mới, thúc đẩy vốn thị trường BĐS dồi dào, minh bạch hơn… Điều này cũng sẽ góp phần tạo nguồn cung dồi dào, tiềm lực tài chính cho DN, góp thêm cơ hội cho người mua nhà”, ông Nam chia sẻ. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường BĐS thời gian qua phát triển quá lộn xộn, một trong những nguyên nhân chính là do khả năng tài chính không đảm bảo của cả doanh nghiệp và người mua nhà.
ĐỖ TRÀ GIANG