Logistics Việt Nam cần một cú hích

Ngày 16-10, tại TPHCM, Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 3.

“Bức tranh” toàn cảnh về các doanh nghiệp logistics Việt Nam được Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Đỗ Xuân Quang “vẽ ra” vẫn chưa có nhiều điểm sáng, so với những thông tin đã được đưa ra trong Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 2. Trong tổng số 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics đang hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, vận tải, kho bãi, cảng biển, xếp dỡ… tại Việt Nam, số doanh nghiệp dịch vụ logistics FDI chỉ chiếm khoảng 4% - 5% nhưng lại có thị phần chiếm đến 75%. Năng lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp, dịch vụ đơn giản, rời rạc, hoạt động logistics còn phân tán, rời rạc, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được nhiều chủ hàng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, tiến sĩ Trần Du Lịch tham dự với tư cách Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lại cho rằng trong bối cảnh chỉ có 5% - 7% lao động trong ngành được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, số lao động còn lại phải thu hút từ nhiều nguồn khác nhau, 85% doanh nghiệp phải tự đào tạo nhân lực cho mình… thì doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam không thua kém nhiều so với doanh nghiệp logistics FDI.

Góc nhìn có khác nhau khi đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, nhưng hầu hết các đại biểu tham gia diễn đàn đều thống nhất, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần cú hích để phát triển. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị cần có luật logistics và trong khi chờ đợi luật này, nên sửa đổi Luật Thương mại hiện hữu theo hướng dành hẳn một chương cho dịch vụ logistics nhằm tạo một hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho dịch vụ này phát triển. Ngoài ra, về mặt quản lý nhà nước, nên có ủy ban phối hợp về logistics quốc gia Việt Nam để giám sát, thực thi cải cách.

Với tư cách là lãnh đạo một doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ logictics, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, đang có một sự bất hợp lý trong việc vận hành hệ thống cảng biển Việt Nam, nơi có luồng lạch tốt lại thiếu các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật kết nối không đồng bộ, nơi lại quá tải cảng biển… làm cho chi phí logistics của doanh nghiệp tăng cao. Chuẩn bị hội nhập sâu rộng, nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp logistics nói riêng nên hợp tác để tìm ra phương thức hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp logistics phát triển. Phương thức này không trái với các nguyên tắc hợp tác quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã vận dụng rất tốt cách làm này để hỗ trợ cho doanh nghiệp của mình.

Tiến sĩ Trần Du Lịch điểm lại các quy định của pháp luật hiện hành và cho biết, nhà nước tập trung cho phát triển logistics nhưng hoạt động của dịch vụ logistics để cho thị trường quyết định. Trong dự án xây dựng sân bay Long Thành, khoảng 1/4 diện tích của sân bay sẽ được dành cho hoạt động logistics của ngành hàng không, đó là động thái quan tâm, tập trung cho dịch vụ này của nhà nước. “Thế nhưng, kinh doanh như thế nào, các doanh nghiệp logistics phải chủ động. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải liên kết, hợp tác với nhau để làm cho “miếng bánh” thị phần của mình to ra”, tiến sĩ Trần Du Lịch nhận xét.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục