Long An cải thiện môi trường đầu tư

Thuận lợi giao thông
Long An cải thiện môi trường đầu tư

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, tỉnh Long An đã đề ra các mục tiêu cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, đầu tư phát triển công nghiệp được đặt lên hàng đầu. Hiện Long An là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút đầu tư nước ngoài…

Thuận lợi giao thông

Long An giữ vai trò cầu nối giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, có 2 tuyến đường cao tốc đi qua. Vì vậy, Long An có thể kết nối với các cửa ngõ quốc tế, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo quy hoạch giao thông vận tải, Chính phủ sẽ đầu tư thêm tuyến đường xe lửa cùng nhiều đường vành đai của TPHCM đi qua địa bàn tỉnh.

Công nhân Tập đoàn Dệt may Huafu Hồng Công (đầu tư tại KCN Thuận Đạo) vận hành thiết bị

Về giao thông thủy, tỉnh có 2 trục giao thông nội địa chính là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp trước khi đổ ra biển Đông. Ngoài ra, Long An còn được xem là vùng “giãn nở” công nghiệp và đô thị của TPHCM. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp tỉnh phát triển kinh tế và giao thương hàng hóa cả trong và ngoài nước; là tiền đề vững chắc để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng.

Hiện nay, Long An có 16/28 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 56,6%. Từ khi thành lập các KCN đến nay, có 1.049 dự án đầu tư vào KCN, gồm 411 doanh nghiệp (DN) FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.632 triệu USD và 638 DN DDI với tổng vốn đăng ký 44.969 tỷ đồng. Long An còn có 14/32 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 85%. Hiện các CCN hoạt động thu hút 254 dự án đầu tư, gồm 55 dự án vốn FDI với tổng vốn đầu tư 201 triệu USD và 199 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 5.100 tỷ đồng.

Một trong những thành công của Long An trong thu hút đầu tư là KCN Thuận Đạo. Sau hơn 10 năm hoạt động, tổng diện tích toàn KCN có 302ha (cả 2 giai đoạn) đã lấp đầy 100%. Hiện KCN này thu hút được 23 DN đến đầu tư, trong đó có 8 DN trong nước và 15 DN đến từ các tập đoàn kinh tế lớn thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Công, Đài Loan... với tổng giá trị đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 33.000 lao động, góp phần phát triển kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên công nghệ sạch

Theo ông Nguyễn Minh Hạ, Giám đốc Sở KH- ĐT tỉnh Long An, hiện Long An là một trong những tỉnh có sức hút khá lớn đối với các nhà đầu tư, bởi lợi thế về địa lý và môi trường đầu tư hấp dẫn. Thời gian tới, Long An tiếp tục nỗ lực để thu hút đầu tư cả lĩnh vực FDI và DDI bằng cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh; xem khu vực DN, doanh nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế cũng như trong quá trình Long An thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, với sự phục hồi của kinh tế thế giới; thêm vào đó, Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra hiệu ứng phát triển và thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Để chào đón các làn sóng đầu tư, Long An tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, nhằm tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp. “Long An hiện còn quỹ đất sạch khoảng 5.000ha để phát triển công nghiệp. Đến thời điểm này, bình quân các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh lấp đầy 67,7%. Năm 2016, Ban quản lý Khu kinh tế và Sở Công thương sẽ xúc tiến kêu gọi đầu tư và lấp đầy thêm 300ha đất trong các KCN, CCN với các lĩnh vực: dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Tiều, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết.

Còn ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An, xác định: Hiện nay, Long An đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp. Một trong những định hướng lớn của tỉnh là bắt đầu chú trọng đến việc sàng lọc các DN, nhằm đảm bảo yếu tố môi trường, như hạn chế tiếp nhận đầu tư nhỏ lẻ, ưu tiên bố trí vào các KCN, CCN, kiểm tra thu hồi những dự án chậm triển khai. Long An tiếp tục đổi mới cơ chế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong và ngoài nước, lựa chọn những phương án đầu tư có hiệu quả, chú trọng thu hút ở các ngành phục vụ phát triển công nghiệp bằng nhiều nguồn lực khác nhau; rà soát, đánh giá, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục