Long An: Thiếu giáo viên dạy theo chương trình phổ thông mới

Ngày 30-8, bà Trần Thị Thu Trang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đức Hoà (Long An) cho biết, 2 năm gần đây kể từ khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, địa phương không chỉ thiếu giáo viên mầm non, mà tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng diễn ra ở các cấp  tiểu học, THCS và THPT.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Long An, học sinh chỉ học 1 buổi do thiếu phòng học

Theo đó, tính đến ngày 1-8, ở các cấp học (từ mầm non đến trung học cơ sở) trong huyện đều đang thiếu giáo viên và nhân viên. So với biên chế được giao còn thiếu 220 người. Phòng GDĐT đã tham mưu UBND huyện kế hoạch tuyển dụng với chỉ tiêu 193 người.

Cũng theo bà Trang, huyện Đức Hòa là một trong những huyện lớn và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với diện tích hơn 42.000ha, dân số trên 345.000 người, trong đó có 7 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Vì vậy, dân số tăng cơ học nhanh đặc biệt ở các khu, cụm công nghiệp, trong khi nguồn tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên trong những năm gần đây không đáp ứng đủ nhu cầu của huyện, một số giáo viên bỏ việc do áp lực công việc ngày càng nhiều, nhất là Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Hơn nữa, mức lương giáo viên mới ra trường hiện nay rất thấp, không đảm bảo được cuộc sống. Bên cạnh đó, một số cán bộ quản lý và giáo viên còn ngại trong việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, chậm tiếp cận với yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác xây dựng nền nếp kỷ cương của một số trường chưa thật sự tốt, chưa nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức.

Cô Lê Thị Hồng Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Hậu Nghĩa cho biết, hiện trường có 56 lớp với 2.409 học sinh, con số này quá đông so với phòng học hiện đang có của trường. Vì vậy không đủ lớp để sắp xếp cho học sinh học 2 buổi, học sinh chỉ học 1 buổi với sĩ số hơn 40 học sinh/lớp.

“Điều đáng lo nhất hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên. Toàn trường có 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong khi trường có biên chế 56 lớp, thiếu 17 giáo viên. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy và học trường chủ động mời giáo viên thỉnh giảng (chủ yếu giáo viên đã nghỉ hưu) ở các bộ môn còn thiếu. Tuy nhiên, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới các thầy cô muốn dạy được phải tập huấn, ngoài ra, thiết bị dạy học các chương trình phổ thông mới cũng cần được đầu tư. Về lâu dài, trường đề xuất tuyển dụng giáo viên mới được đào tạo bài bản để đáp ứng như cầu giảng dạy của trường”, cô Dung nói.

Theo Phòng GD.ĐT huyện Đức Hoà, toàn huyện có hơn 55.000 học sinh từ cấp mần non đến cấp THCS tăng hơn so với năm học trước. Phòng đã kiến nghị tỉnh phân bổ thêm kinh phí để đầu tư xây dựng trường cho huyện, giao biên chế giáo viên phù hợp với số lượng học sinh vì hiện nay học sinh tăng nhưng biên chế giảm.

Còn tại Tiền Giang, theo Sở GD-ĐT tỉnh, đầu năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 3.200 giáo viên mầm non (thiếu hơn 340 giáo viên), hơn 5.900 giáo viên tiểu học (thiếu hơn 320 giáo viên), hơn 4.500 giáo viên THCS (thiếu hơn 200 giáo viên) và hơn 2.000 giáo viên THPT (thiếu hơn 110 giáo viên).

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các Phòng GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho bậc mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết, sẽ khó tuyển đủ giáo viên như mong muốn.

Từ năm 2013 đến nay, Sở đã liên kết với Trường Đại học Tiền Giang đào tạo trên 1.200 giáo viên mầm non trình độ cao đẳng để tạo nguồn giáo viên mầm non cho các địa phương của tỉnh. Ngoài ra, Sở sẽ tính cơ chế đặt hàng đối với những môn học đang thiếu giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, Lịch sử - Địa lý,…

Tin cùng chuyên mục