Tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Tuy An cũng bị ngập cục bộ từ 0,2 đến 0,5m ở các xã An Hiệp, An Cư và thị trấn Chí Thạnh. Nghiêm trọng nhất là đoạn qua đèo Quán Cau, nước ngập khiến cho lái xe không thể tránh ổ gà, ổ voi nên bị mất lái. Đã có 1 vụ tai nạn xe buýt trên tuyến khiến cho giao thông bị ách tắc và chỉ còn lưu thông được một phía chiều Bắc – Nam.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An thông tin nhanh: “Toàn bộ lực lượng của huyện đang tập trung chống lũ. Công an, bộ đội, dân quân tự vệ ứng trực liên tục tại các điểm xung yếu. Quyết tâm không để cho người và phương tiện qua lại ở những nơi bị ngập sâu, lũ cuộn".
UBND huyện đã có công văn khẩn yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học vào chiều 26-11 để đảm bảo an toàn.
Tại huyện miền núi Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ lên nhanh gây ngập sâu ba tuyến đường chính về trung tâm thị trấn La Hai là quốc lộ 19C, ĐT641 và đường đi huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), chia cắt hoàn toàn huyện Đồng Xuân. Toàn huyện có 47 nhà ngập sâu, đã tổ chức di dời dân là 47 hộ với 126 người đến vùng cao an toàn, ổn định.
Tại thị xã Sông Cầu, mưa rất lớn nên nước từ trên núi và thượng nguồn đổ xuống gây ngập nhanh. Các khu vực ven sông suối, nhiều hộ dân không kịp di chuyển đồ đạc.
Tại cảng cá Dân Phước (phường Xuân Thành), một tàu cá công suất 240CV của ngư dân đã bị chìm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không thể cứu tàu do mưa lớn và nước sông đổ ra biển mạnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Từ tối 25 đến sáng 26-11, địa phương xảy ra mưa rất lớn. Ở cầu cây Sung đã ngập sâu, chia cắt 2 thôn Tân Phước, Tân Thọ, chia cắt hàng ngàn hộ dân. Ở hạ lưu cầu sông Cô, nước đã ngập sâu. Nước sông Kỳ Lộ đang lên mức báo động, lũ lên rất nhanh. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng để di dời các hộ dân vùng bị ngập sâu. Trước đó, chúng tôi đã vận động và hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản, gia súc, gia cầm… lên vùng cao.”
>>> Một số hình ảnh ghi nhận về tình hình mưa lũ tại Phú Yên: