Lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài ở đặc khu kinh tế

Về việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, đa số thành viên cơ quan thẩm tra nhất trí lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài ở đặc khu kinh tế. Cơ quan thẩm tra khuyến nghị thận trọng do có thể tiềm ẩn những bất lợi, rủi ro đối với trật tự, an toàn xã hội, môi trường kinh doanh của các địa bàn ngoài đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Phú Quốc - một trong ba đặc khu kinh tế của Việt Nam
Phú Quốc - một trong ba đặc khu kinh tế của Việt Nam
Chiều 10-11, tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) vừa được trình ra Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra dự án do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày tại phiên họp tập trung làm rõ 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB được Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.
Lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài ở đặc khu kinh tế ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Ở phương án 1, chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính.
Ở phương án 2, sẽ tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy như được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.
Theo loại ý kiến này, chương IX của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ “mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết. Vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp với độ “mở” của Hiến pháp. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng đơn vị HCKTĐB bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.
Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 vì cho rằng phương án này bảo đảm phù hợp với quy định cụ thể của Hiến pháp (Điều 110, Điều 111) và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (các điều 2, 4, 74 và 75); thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; bảo đảm tính đại diện và quyền giám sát của nhân dân ở các đơn vị HCKTĐB.
Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cũng đề nghị thiết kế lại về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND đơn vị HCKTĐB để thể hiện rõ hơn tính đặc thù, cải cách, đột phá.
“Do còn ý kiến khác nhau như vậy, Ủy ban Pháp luật báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về vấn đề này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Về việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng còn có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo luật theo hướng làm rõ một bước các điều kiện được lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài để bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thực hiện và tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng vấn đề lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đã được quy định từ Bộ luật Dân sự năm 1995, năm 2005 và tiếp tục được kế thừa trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, đề nghị quy định theo hướng “không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” để không thu hẹp phạm vi của quy định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đa số ý kiến thành viên cơ quan thẩm tra nhất trí với loại ý kiến thứ hai. 
Một điểm đáng lưu ý khác là dự thảo luật đã loại bỏ 135 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc thu hẹp phạm vi ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng tại đơn vị HCKTĐB là cần thiết. Tuy nhiên, đối với một số ngành, nghề cụ thể có ý kiến còn khác nhau của các bộ, ngành, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ để bảo đảm chặt chẽ các yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời, cần có các giải pháp thay thế thích hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Cơ quan thẩm tra cũng đưa ra khuyến nghị thận trọng với quy định không áp dụng điều kiện đầu tư theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế có liên quan đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong một số trường hợp, do có thể tiềm ẩn những bất lợi, rủi ro đối với trật tự, an toàn xã hội và môi trường kinh doanh của các địa bàn ngoài đơn vị HCKTĐB.

Tin cùng chuyên mục