Thủ tục hành chính “không cửa” mới tạo đột phá cho đặc khu?

Sáng 3-11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

 

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội cho ý kiến lần này gồm 6 chương với 104 điều.

Đáng lưu ý, theo ông Đông, dự thảo Luật sẽ thu hẹp ngành, nghề có điều kiện (từ 243 xuống còn 108 ngành, nghề); gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

“Về tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở, dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép kéo dài thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược”, Vụ trưởng Trần Duy Đông nói.

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia Marcin Milosz, nhóm tư vấn công ty TNHH Tư vấn Boston đánh giá, là nước đi sau, Việt Nam có nhiều lợi thế từ việc rút tỉa những kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước đi trước.

Chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược và cơ sở hạ tầng cho phù hợp, có khung khổ thể chế rõ ràng; thông thoáng để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; đồng thời, chú trọng quảng bá hình ảnh các đặc khu để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Trong khi đó, chuyên gia Patrick Tay, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách tư vấn chính sách kinh tế Tập đoàn PWC tại Malaysia nhấn mạnh, để có được những đặc khu thành công, cần xác định rõ, đây là cuộc đua marathon chứ không phải chạy tiếp sức.

“Đặc khu chỉ có thể coi là thành công thực sự khi mọi người đều được hưởng lợi, cả nhà đầu tư, người dân sở tại nói riêng và người dân toàn quốc nói chung nhờ tác dụng lan tỏa”, ông Patrick Tay lưu ý.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong đổi mới sáng tạo và tránh xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự, giảm tính quan liêu, tăng tính minh bạch… cũng là những khuyến nghị của chuyên gia này.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Patrick Tay nhìn nhận: “Họ sẽ luôn đặt câu hỏi: đầu tư vào thì dễ rồi, nhưng lợi nhuận mang ra khỏi thị trường đầu tư, mang về "nhà" có dễ dàng không? Các bạn hãy quan tâm giải tỏa tâm lý đó”.

Thẳng thắn cho rằng các chính sách ưu đãi cho phát triển kinh tế xã hội trong dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới đạt được ở mức cơ bản, khắc phục một số nhược điểm hiện tại của hệ thống pháp luật chứ chưa mang tính đột phá, GS, TSKH Đặng Hùng Võ nói: “Đề xuất thủ tục hành chính một cửa chưa phải là đột phá. Muốn đột phá, chúng ta cần mạnh dạn đưa ra thủ tục hành chính điện tử một cửa, thậm chí với công nghệ 4.0 là “không cửa” thì mới tạo ra những bước vượt lên đáng kể so với thủ tục hành chính hiện nay. Còn đối với chính sách đất đai, chúng ta cần tiếp cận theo hướng thị trường sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế hơn”. 

Tin cùng chuyên mục