Luật sư cách ly do Covid-19, đề nghị hoãn phiên phúc thẩm Ethanol Phú Thọ

Trong phần thủ tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), đại diện một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đề nghị hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, hội đồng xét xử (HĐXX) sau khi hội ý, quyết định tiếp tục phiên xử do đã hoãn 2 lần vì dịch bệnh.

Sáng 27-9, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ) để xét kháng cáo của 6 bị cáo sau khi bản án sơ thẩm được tuyên dịp đầu năm 2021.

HĐXX trong vụ án gồm 3 người, do Thẩm phán Võ Hồng Sơn làm chủ tọa phiên toà.

Dự kiến, phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này sẽ diễn ra trong 3 ngày. Có 6 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trong phiên phúc thẩm, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) và Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC) không kháng cáo, chấp nhận mức án lần lượt là 11 năm và 18 năm tù.

Trong khi đó, 6 bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí – PVB, án sơ thẩm 6 năm 6 tháng tù); Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng Giám đốc PVC, án sơ thẩm 3 năm 6 tháng tù); Nguyễn Xuân Thủy (cựu Phó Trưởng phòng Đầu tư dự án PVB, án sơ thẩm 30 tháng tù); Khương Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Thương mại PVB, án sơ thẩm 30 tháng tù) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB, án sơ thẩm 30 tháng tù).

Luật sư cách ly do Covid-19, đề nghị hoãn phiên phúc thẩm Ethanol Phú Thọ ảnh 1 6 bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm sáng 27-9. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong đơn kháng cáo, hầu hết các bị cáo đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ tội của mình, như: phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo và hợp tác với các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, có thái độ ăn năn hối cải, nhận thức rõ sai phạm của mình…

Ngoài 6 bị cáo kháng cáo, Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương cũng làm đơn kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét trả lại 3.400m2 đất tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho công ty.

Bản án sơ thẩm cho thấy, khu đất 3.400m2 tại Tam Đảo là khu biệt thự tại trị trấn Tam Đảo do Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc) mua bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC (năm 2010), gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.

Luật sư cách ly do Covid-19, đề nghị hoãn phiên phúc thẩm Ethanol Phú Thọ ảnh 2 Đại diện Công ty Mai Phương đề nghị hoãn phiên tòa do vắng luật sư. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Sau đó, năm 2011, Thanh chỉ đạo Hồng bán lại cho Công ty Mai Phương (khi đó do ông Trịnh Xuân Giới, bố Thanh đứng tên chủ sở hữu) với giá 23,8 tỷ đồng (nhưng Thanh chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, còn 3 tỷ đồng không trả).

Năm 2015, ông Giới bán lại Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ Trịnh Xuân Thanh). Năm 2016, bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (ở Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng, trong đó có lô 3.400m2 đất tại Tam Đảo.

Đại diện Công ty Mai Phương cho rằng, quyết định của Tòa cấp sơ thẩm về phần dân sự liên quan đến Công ty Mai Phương không đảm bảo căn cứ pháp luật, không khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.

Luật sư cách ly do Covid-19, đề nghị hoãn phiên phúc thẩm Ethanol Phú Thọ ảnh 3 Đại diện VKS nêu quan điểm tại phần làm thủ tục 

Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, đại diện của PVC không có yêu cầu nào thể hiện rằng PVC yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo. PVC chỉ yêu cầu Tòa án buộc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỷ đồng là số tiền bị thiệt hại do hành vi tạm ứng tiền và góp vốn trái quy định gây nên.

Đại diện Công ty Mai Phương cũng cho biết, trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất giữa PVC Kinh Bắc và Công ty Mai Phương, đối tượng giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, đây là quyền sử dụng hợp pháp.

Theo ghi nhận, khoảng 8 giờ, 6 bị cáo được dẫn giải tới tòa dưới sự hộ tống của lực lượng công an. Do phiên tòa diễn ra trong thời điểm dịch bệnh, mọi công tác đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 luôn được đặt lên hàng đầu. Mọi người ra vào khu vực phòng phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và sát khuẩn.  

Luật sư cách ly do Covid-19, đề nghị hoãn phiên phúc thẩm Ethanol Phú Thọ ảnh 4 Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục phiên xử do đã 2 lần phải hoãn vì dịch bệnh. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong phần thủ tục, đại diện Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) đã đề nghị hoãn phiên tòa. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương cũng có đơn xin hoãn tòa vì đang phải cách ly do trước khi phiên tòa được mở, luật sư có vào TPHCM.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, Công ty Mai Phương, các luật sư, HĐXX thảo luận và đánh giá các ý kiến. Theo chủ tọa, phiên tòa lần này mở là lần 3 vì lý do dịch bệnh nên các phiên tòa trước hoãn. Do đó, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.

Tin cùng chuyên mục