Lúng túng cai nghiện trước “bão” ma túy - Bài 1: Đi bar..."đập đá"

LTS: Trước thực trạng ma túy tấn công ồ ạt vào TPHCM, đi đôi với công tác phòng, chống tội phạm ma túy là yêu cầu cấp bách phải tập trung làm những gì để các bạn trẻ không sa vào ma túy, đổi mới công tác cai nghiện ma túy như thế nào để thực sự trợ giúp hiệu quả cho những người trót lầm lỡ có thể đứng dậy làm lại cuộc đời…  
Lực lượng chức năng kiểm tra Bar 162 Nguyễn Văn Lượng. Ảnh: CHÂU TRỊNH
Lực lượng chức năng kiểm tra Bar 162 Nguyễn Văn Lượng. Ảnh: CHÂU TRỊNH

Cảnh tượng người nghiện ma túy sáng sáng, chiều chiều đứng ngồi rải rác, tiêm chích ngay ven đường, gầm cầu, giờ đây đã ít hẳn. Phải chăng số người tìm đến ma túy đã giảm? Thực tế cho thấy, lượng người sử dụng ma túy không những không giảm, mà không ngừng tăng về số lượng. Các đối tượng này đang dịch chuyển về địa điểm “chơi” ma túy, thay đổi loại ma túy sử dụng…

Cơn sóng ngầm

Là người có nhiều năm chiến đấu trong lực lượng phòng, chống ma túy, Thượng tá Võ Văn Trai, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04), Công an TPHCM, cho biết: “Tình trạng các bạn trẻ hút chích ma túy ở nơi công cộng đã giảm rất nhiều. Bây giờ chỉ còn khoảng 30% người nghiện ma túy sử dụng chất ma túy là heroin và tỷ lệ này đang giảm dần. Thật sự, việc sử dụng “ngầm” mới đáng sợ, bởi có đến 80%-90% đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp; và những người này thường vào nhà trọ, khách sạn, vũ trường “đập đá” theo nhóm”. 

Theo nhận định của Thượng tá Võ Văn Trai, phóng viên Báo SGGP đã đến tìm hiểu thực tế ở nhiều quán bar có “số má” của thành phố. Có mặt tại quán bar Oxy Beer Club, đường Nguyễn Thị Định, phường Bình Trưng Tây, quận 2, trong không gian nhập nhoạng ánh chớp đèn màu và tiếng nhạc thình thịch, chát chúa, chúng tôi thấy hàng chục nam nữ thanh niên ngồi nhún nhảy, lắc lư. Tại một số bàn VIP, nhiều thanh niên nam nữ truyền tay nhau gói ni lông chứa “hàng đá” (ma túy tổng hợp). Và sau khi “đập đá” được ít phút, những thanh niên này nhảy múa liên tục không biết mệt mỏi. 

Tại nhiều quận nội thành, quán bar, khách sạn cũng trở thành “bãi đáp” của giới trẻ vui chơi, sử dụng ma túy. Đáng chú ý, Bar 86 (đường Hùng Vương, quận 5), Vũ trường Đông Kinh (đường Trần Tuấn Khải, quận 5) là các địa điểm bị kiểm tra, xử lý liên tục, song cảnh giới trẻ “đập đá” ở những nơi này vẫn lặp đi lặp lại. 

Một buổi tối cuối tháng 1-2019, hàng chục thanh niên nhảy múa tưng bừng trong tiếng nhạc chát chúa tại Bar 86. Không khí trở nên nóng bừng khi khu vực trung tâm quán bar xuất hiện 4 vũ nữ mặc đồ “thiếu vải”, múa những động tác khêu gợi. Những con mắt đổ dồn về sàn nhảy. Nhiều khách bắt đầu lôi “hàng” (ma túy tổng hợp - PV) ra sử dụng.

Nhóm thanh niên ở bàn VIP 17 chia nhau các viên nén hình chữ nhật. Cạnh đó, bàn VIP 18, các túi ni lông chứa tinh thể màu trắng cũng được những thanh niên lôi ra. Khi bị phát hiện, nhiều người vội vàng quẳng các túi ni lông chứa “hàng” xuống sàn, hoặc ném sang bàn khác. Ngay đêm đó, cơ quan chức năng đã đưa 46 người ở quán bar về trụ sở công an phường để làm việc.

Qua sàng lọc, test nhanh, cơ quan chức năng phát hiện 12 người dương tính với ma túy. Không lâu sau, đầu tháng 4-2019, trở lại quán bar này, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh hơn 100 thanh niên đang lắc lư nhảy múa và không ít người sử dụng “hàng”.

Ông Nguyễn Thành Lâm,
Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM: 
Cứ kiểm tra các quán bar là gần như đều phát hiện có người sử dụng ma túy. Lần nào cũng phát hiện ít nhất 20 - 30 người dương tính với ma túy. Người nghiện ma túy thì phân loại, xử lý theo quy định. Còn các quán bar, nhà hàng để xảy ra vi phạm, không có luật nào quy định đóng cửa, tước giấy đăng ký kinh doanh. TPHCM cứ phạt hành chính, rồi các quán lại “ve sầu thoát xác”, có quán thay tên đổi chủ đến 5 - 6 lần, chỉ trong vòng 3 ngày lại có giấy đăng ký kinh doanh mới, chủ mới và đi vào hoạt động với các… vi phạm như cũ. Chúng tôi chỉ còn cách là chà đi xát lại, tăng cường kiểm tra nhiều lần, nhưng… cuối cùng cũng vậy thôi!
Vũ trường Đông Kinh cũng là một địa chỉ mà rất nhiều lần được giới trẻ chọn làm nơi sử dụng ma túy tổng hợp. Số người “đập đá” lên đến hàng chục. Rạng sáng 11-4, tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 14 nam nữ thanh niên có kết quả phản ứng dương tính với ma túy. Rạng sáng 31-5, có 24 người; trước đó vào rạng sáng 19-1, cơ quan chức năng phát hiện 27 người dương tính với các chất ma túy. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 4 tháng, tại cùng một địa điểm, đã 3 lần liên tiếp phát hiện nhiều thanh thiếu niên đến “đập đá”. 

Nhức nhối nhất là Bar 162 Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp), liên tục 7 lần bị bắt quả tang, xử phạt vì để khách sử dụng ma túy. Lần gần đây nhất, trong số gần 150 thanh niên có biểu hiện nghi vấn sử dụng chất ma túy, thì có tới 79 người qua xét nghiệm có kết quả dương tính với ma túy. 

Ma túy tổng hợp đang áp đảo

Các đợt ma túy “đá” tấn công giới trẻ ở các quán bar, nhà hàng, khách sạn… như vũ bão, và kéo theo là số lượng người nghiện “hàng đá” tăng chóng mặt tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Tại Khu tiếp nhận và cắt cơn của Cơ sở xã hội Nhị Xuân, một học viên cứ liên tục đi lại vòng tròn trong khoảng sân nhỏ. Cho đến khi có cán bộ gọi, mất mấy giây đờ đẫn, khuôn mặt nam thanh niên mới bắt đầu tươi cười có sinh khí. Điều dưỡng Bùi Văn Tín nhận xét, đây là một trong những biểu hiện của người sử dụng ma túy “đá”. 

T.T.Đ, một học viên cai nghiện 47 tuổi, trú quận Bình Thạnh kể lại, có lần chơi hàng “đá” xong, Đ. cảm thấy bị đuổi theo nên leo lên taxi và chỉ nói tài xế “đi thẳng”. Cứ thế đi miết tới lúc tỉnh ra thì xe đã tới Cam Ranh (Khánh Hòa). Lần đó, tiền taxi hết hơn 3 triệu đồng, Đ. phải cầu cứu người nhà trả và giật mình nhận ra mình đã không còn là mình.

Bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến, Trưởng phòng Y tế Cơ sở xã hội Nhị Xuân, cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, khoảng 80%-90% học viên được đưa tới đây là người sử dụng ma túy “đá”. Theo bác sĩ Tuyến, người nghiện thường không nhận ra sự nguy hại của ma túy “đá”. Mối nguy hại lớn nhất là tổn hại hệ thần kinh trung ương, gây loạn thần. Việc chữa trị các chứng loạn thần cấp không quá phức tạp, nhưng nếu người nghiện ma túy rơi vào tình trạng loạn thần kéo dài thì không thể xác định được thời gian điều trị, thời gian hồi phục. Khi ngưng điều trị lập tức sẽ tái phát. 

Bác sĩ Tuyến kể, có trường hợp gia đình mang con tới Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã phải lấy dây trói từ nhà. Dây dù, dây vải quấn tròn quanh người như đòn bánh tét, miệng thì lấy nắm đũa ngáng ra để con không làm điều xui xẻo. Gia đình khiêng cái “đòn bánh tét” vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân thả xuống, năn nỉ bác sĩ nhận vì không dám để ở nhà.

Cũng có người vào đây trong tình trạng loạn thần cấp, không chịu hợp tác, chửi bới đập phá. Nhiều bệnh nhân kể lại rằng, họ luôn nghe những tiếng nói văng vẳng bên tai thôi thúc “chết đi”, hoặc những mệnh lệnh khác. Có thể bệnh nhân lúc đầu còn ý thức được là không làm theo lời thúc giục đó, nhưng tiếng nói đó cứ nói hoài, nhất là trong những đêm khuya, dần dần, có nguy cơ người nghe rất dễ làm theo.

Có những trường hợp vào chữa bệnh trong tình trạng có 2 vết đâm vào tim, một vết bỏng ở tay do điện giật. Học viên này kể, trước đó cứ có tiếng nói trong đầu thôi thúc phải làm như thế. Còn những trường hợp “ngáo đá” gây ra những vụ án thương tâm, theo bác sĩ Tuyến, là các trường hợp loạn thần cấp, không kiểm soát được bản thân.

Mỗi năm có gần 1.600 vụ án về ma túy
Tội phạm về ma túy tổng hợp tăng mạnh từ số lượng đường dây, tổ chức cho đến tang vật ma túy thu giữ; cũng như đang có sự gia tăng rất nhanh và ngày càng mạnh hơn của các chất ma túy mới. Từ năm 2009 đến cuối năm 2018, các lực lượng chức năng của TPHCM đã phát hiện, bắt giữ 15.700 vụ (trung bình gần 1.600 vụ/năm), gần 32.300 đối tượng (trung bình hơn 3.200 đối tượng/năm) có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy.

Tang vật thu giữ được gồm: gần 168kg heroin, gần 1,2 tấn ma túy tổng hợp, gần 311.000 viên thuốc lắc, gần 67kg cocain, 50kg PSE, 65kg cần sa, 60kg cỏ Mỹ... Đặc biệt, từ đầu năm 2019, các lực lượng chức năng liên tiếp bóc gỡ các vụ đặc biệt lớn với số lượng mỗi vụ án lên tới 300kg, 500kg, 1,1 tấn ma túy tổng hợp.

Tin cùng chuyên mục