Những con số “biết nói” Số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy, trong nửa đầu năm 2017, khối lượng vận tải hành khách công cộng trên các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá đạt 109,2 triệu lượt hành khách, tương đương 37% kế hoạch đề ra cho cả năm. Tính ra, bình quân mỗi ngày xe buýt phổ thông có trợ giá vận chuyển được gần 607.000 lượt hành khách. Điều đáng chú ý, mức sản lượng vận chuyển như vậy đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dù mới trôi qua nửa thời gian nhưng đối tượng xe buýt không trợ giá đã vượt mức chỉ tiêu kế hoạch sản lượng vận chuyển hành khách đề ra cho cả năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, xe buýt không trợ giá đã đạt 48,1 triệu lượt hành khách, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 33,6% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2017 (là 36 triệu lượt hành khách). Bình quân, mỗi ngày xe buýt không trợ giá vận chuyển được khoảng 268.000 lượt hành khách. Nói tóm lại, trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP, bao gồm xe buýt có trợ giá, xe buýt không trợ giá và taxi, đã đạt 272,6 triệu lượt hành khách, tương đương 45,4% chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2017; tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016. Song hành với sự gia tăng hành khách nêu trên là sự tăng trưởng của những con số thống kê liên đới khác. Cụ thể, số chuyến buýt bình quân mỗi ngày là 16.328 chuyến, cao hơn 0,43% so với cùng kỳ năm 2016. Số chuyến xe buýt có trợ giá lăn bánh trong 6 tháng đầu năm là 2.955.420 chuyến. Lượng hành khách bình quân mỗi chuyến là 37 hành khách, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, Trung tâm đã thực hiện điều chỉnh 149 đoạn lộ trình của 89 tuyến xe buýt, nhằm tăng cường khả năng phục vụ của mạng lưới tuyến xe buýt cũng như để phù hợp với tình hình phân luồng giao thông phục vụ thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây là khối lượng công việc không nhỏ nếu biết rằng trong cả năm 2016, Trung tâm chỉ phải điều chỉnh 13 đoạn lộ trình của 11 tuyến xe buýt. Tương tự, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã điều chỉnh 558 biểu đồ chạy xe của 106 tuyến xe buýt có trợ giá để phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế tại từng thời điểm.Còn nhiều khó khăn cho xe buýt Mặc dù mức tăng trưởng hành khách đi xe buýt vẫn còn khiêm tốn, nhưng đó là thành quả của Trung tâm nói riêng và Sở GTVT nói chung, trong việc thực hiện một loạt giải pháp từ năm 2016 đến nay. Các giải pháp đều hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xem đó như là một trong những tiền đề thu hút người dân - hành khách tìm đến, quay lại sử dụng xe buýt. Mức tăng hành khách tuy chưa nhiều nhưng lại đầy tính khích lệ, đặc biệt trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn bủa vây địa hạt xe buýt TP. Những khó khăn tập trung vào cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng. Bến bãi, điểm đầu cuối tuyến cho xe buýt là ví dụ điển hình. Toàn địa bàn TPHCM hiện có 2.568 phương tiện tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhưng chỉ có 82 vị trí điểm đầu, điểm cuối. Giám đốc Trung tâm Trần Chí Trung cho biết, trong số 82 vị trí này chỉ có 32 vị trí mang tính ổn định lâu dài, 5 vị trí có hợp đồng thỏa thuận với địa phương/người dân bố trí đất làm bến bãi lưu đậu xe buýt, 45 vị trí còn lại là diện sử dụng tạm lòng lề đường để bố trí xe buýt lưu đậu. Việc lưu đậu quá nhiều trên lòng lề đường đã làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại và mỹ quan đô thị. Biết vậy, nhưng tìm được “nhà” cho xe buýt lưu đậu ổn định lại không dễ dàng. Hiện nay, Trung tâm đang lập thủ tục xin giao đất làm điểm đầu cuối cho xe buýt tại một số vị trí, như khu vực cầu Kinh Lộ trên đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè), khu vực dự kiến xây dựng bến xe buýt dạ cầu Phú Mỹ, dạ cầu Bình Lợi, vị trí tại khu đất cổng sau Khu công nghiệp Lê Minh Xuân... Bên cạnh 2 yếu tố “giá vé rẻ” và “luồng tuyến phủ khắp, thuận tiện” thì “đảm bảo thời gian hành trình” cũng là thông số mang tính quyết định sự sinh tồn của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Một trong những “toa thuốc” giúp đảm bảo thời gian hành trình sắp được TP triển khai, đó là mở làn đường ưu tiên cho xe buýt. Hiện nay, Sở GTVT đang xúc tiến các bước chuẩn bị để thí điểm tổ chức 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt: một làn trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn) và một làn trên đường Võ Thị Sáu (đoạn từ vòng xoay Công trường Dân chủ đến đường Đinh Tiên Hoàng). Các làn đường ưu tiên cho xe buýt đầu tiên dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm nay. Các “ứng viên” tiếp theo được mở làn đường ưu tiên cho xe buýt trong thời gian tới là trên các tuyến đường Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến Khu du lịch Suối Tiên). Việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt là cần thiết nhưng cũng hứa hẹn không ít khó khăn, đặc biệt là khi diện tích mặt đường vẫn vậy nhưng lại phải dành một phần đường để ưu tiên cho xe buýt. Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, một trong những phương cách để giải quyết khó khăn ban đầu chung quanh việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt là cần sự phối hợp hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, như cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông TP… cũng như cần sự thông cảm, hưởng ứng từ người dân tham gia giao thông trên đường.
Trung tâm đang tổ chức giữ xe hai bánh miễn phí cho hành khách sử dụng xe buýt tại Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn thuộc khu B Công viên 23-9. Trong 5 tháng đầu năm 2017, điểm giữ xe miễn phí này đã giữ được 15.113 lượt xe, bình quân 100 lượt/ngày.
Hiện Trung tâm đang quản lý 4.268 vị trí trạm dừng xe buýt. Trong số này có 497 nhà chờ xe buýt, 2.415 trụ dừng xe buýt, 72 trụ dừng LCD, 119 biển treo trạm dừng xe buýt và 1.165 vị trí chỉ có ô dừng xe buýt.
Chỉ có 273/2.568 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG; có 2.274/2.568 phương tiện chạy bằng diesel và 21 phương tiện chạy bằng xăng. Các xe chạy bằng khí CNG tập trung nạp khí tại 3 trạm hiện hữu: Bến xe An Sương, Đại học Quốc gia và trạm Tân Kiên. Không thể nói đến việc phát triển xe buýt chạy bằng CNG nếu không đầu tư thêm các trạm nạp khí CNG. Ngoài ra, giá bán nhiên liệu này chưa có sự cam kết rõ ràng từ phía Công ty PV Gas South, gây ra tâm lý ngại ngần đầu tư của các doanh nghiệp vận tải, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư phương tiện chạy bằng khí CNG trong năm 2017.
Hiện Trung tâm đang quản lý 4.268 vị trí trạm dừng xe buýt. Trong số này có 497 nhà chờ xe buýt, 2.415 trụ dừng xe buýt, 72 trụ dừng LCD, 119 biển treo trạm dừng xe buýt và 1.165 vị trí chỉ có ô dừng xe buýt.
Chỉ có 273/2.568 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG; có 2.274/2.568 phương tiện chạy bằng diesel và 21 phương tiện chạy bằng xăng. Các xe chạy bằng khí CNG tập trung nạp khí tại 3 trạm hiện hữu: Bến xe An Sương, Đại học Quốc gia và trạm Tân Kiên. Không thể nói đến việc phát triển xe buýt chạy bằng CNG nếu không đầu tư thêm các trạm nạp khí CNG. Ngoài ra, giá bán nhiên liệu này chưa có sự cam kết rõ ràng từ phía Công ty PV Gas South, gây ra tâm lý ngại ngần đầu tư của các doanh nghiệp vận tải, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư phương tiện chạy bằng khí CNG trong năm 2017.