Bán đảo Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) vốn có một trường lũy mang tên Trường Sa. Người Bảo Ninh xem Trường Sa là thành lũy bảo vệ bờ bãi làng mạc. Về Trường Sa thấy “dấu xưa xe ngựa” lưu chặt vào cát, ngư dân truyền nối cách bảo vệ vùng biển trước mặt làng độc đáo, thấm sâu vào từng lớp đời.
Dấu xưa xe ngựa...
Sách xưa còn lưu câu chuyện lũy Trường Sa đã cứu hàng ngàn dân thoát cảnh tang thương mỗi khi quân đàng Ngoài xâm nhập xứ đàng Trong của chúa Nguyễn. Không chỉ che chở cho muôn dân vùng Quảng Bình mà còn cả Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vào gần 400 năm trước.
Năm 1633, chúa Nguyễn thấy nguy cơ xâm nhập yếu nhất ở bán đảo Bảo Ninh nên đã lệnh cho tướng Nguyễn Hữu Dật huy động sức dân, sức lính đào đắp hàng triệu khối đất từ các vùng đồng hoang về xây lũy. Lũy xây xong được đặt tên Trường Sa, trường lũy trên cát chạy dài như bất tận dọc bãi biển. Thành lũy vững chắc, bao lần chúa Trịnh cho quân tiến đánh cũng không công phá được trong suốt nhiều năm Trịnh – Nguyễn phân tranh. Câu chuyện ấy vẫn còn kể mãi đến ngày nay khi PV Báo SGGP về với bán đảo nhỏ bé này.
Cụ Trương Xa nói: “Lũy Trường Sa đã cứu cho tổ tiên người kẻ biển và dân cày ruộng bên kia sông Nhật Lệ thoát cảnh binh đao. Dân tình tri ân trường lũy, lập tự thờ người cho xây lũy và thờ linh trường lũy bên bờ biển để đời đời không quên lũy này đã bảo vệ người dân, cho cỏ cây, cho tôm cá”. Đã ngót nghét gần 400 năm dâu bể, Trường Sa trên cát hiện chỉ còn lại từng đụn đất nhô cao bên bờ biển, phong hóa của thời gian phai mờ “dấu xưa xe ngựa”. Riêng Sa Hải Tự do người dân lập ra vẫn còn đó với khói hương trọng vọng.
Đặt từng bước chân nhỏ lên đụn cát Trường Sa mới thấy ý nghĩa lớn lao của tiền nhân giữ đất. Dưới rặng dương liễu già cỗi là trầm tích của văn hóa yêu nước lưu cữu vào từng hồn người. Dưới cát là nước, và cũng in đậm bao dấu ấn của một thời phên dậu bảo vệ từng xóm làng lân ấp khỏi kiếp nạn gươm đao.
Chân bước trên lũy Trường Sa, chợt nhớ đến lời của giáo sĩ người Pháp Cadière từng viết trong Đô thành hiếu cổ năm 1918 rằng: “Lũy Trường Sa là biểu tượng lớn lao bảo vệ người đàng Trong. Vị tướng chỉ huy trường lũy trọng yếu này là một danh tướng được chúa Nguyễn tin tưởng (đó là Nguyễn Hữu Cảnh - NV). Lũy thắng tuyệt đối quân Trịnh, bảo vệ muôn dân và cư dân trong vùng luôn coi chúa Nguyễn là bậc có công rất lớn cứu dân khỏi đao kiếm đàng Ngoài”.
Giữ biển độc đáo
Người Bảo Ninh giữ được Trường Sa là nhờ giữ được biển làng. Biển làng họ ra mãi đến hải phận quốc tế. Đó là cách nói của phu ngư trên biển với tấm lòng yêu thương vô tận quê hương. Vốn trước đây Bảo Ninh là những mảnh làng ở theo lân nóc, một kiểu “ngụ binh ư nông” của quân chúa Nguyễn xưa. Bán đảo cát trắng vốn hoang vắng, binh lính được cử vượt sông Nhật Lệ bám trụ và cảnh giới, chúa Nguyễn cho những binh lính giỏi nhất, khỏe nhất được tuyển lựa cẩn thận để giữ thế đất. Việc tuyển quân phải là những người gốc gác cùng bản quán nhiều đời ở Thanh Hóa, bởi chúa Nguyễn có gốc gác từ đó.
Khi các lân nóc dựng lên, nhu cầu dựng vợ của binh lính tăng cao, họ về già không muốn rời bỏ Trường Sa, và quân sĩ cũng xem Trường Sa như máu thịt nên đã cưới vợ về ở với Trường Sa, sinh con đẻ cái, dần dà các lân nóc biến thành làng xóm trù mật, dân tình quần tụ với sinh khí Trường Sa cho đến hôm nay. Các lân nóc khi mới thành lập đã cố kết lại, lập các đội thuyền vượt cửa Nhật Lệ ra khơi đánh bắt cá. Binh sĩ trang bị gươm giáo cùng lưới cụ đánh bắt hải sản, khi có chiến thuyền đàng Ngoài xâm nhập, họ dùng bùi nhùi của dừa đốt lên thành các cột khói giữa biển, cảnh báo nguy cơ từ xa. Ngư dân Trương Thẳng nói: “Biển mênh mông sóng cả, ra đó không biết ranh giới. Dân làng tui tài mọn, chỉ biết nhìn lên núi Trường Sơn, thấy các ngọn núi, lấy tên núi đặt tên cho các ngư trường. Việc đó không đổi mấy trăm năm qua, người miệt biển khi chưa lớn đã thuộc làu tên ngư trường của làng như thợ sơn tràng biết tường tận các góc rừng”.
Từ cổ sách của giáo sĩ Cadière đến hôm nay, người ở Trường Sa (Bảo Ninh) đi biển vẫn lấy điểm cao của các đụn cát, những tháp thờ, cột hải đăng, những dinh thự cao tầng phía bờ làm vật chuẩn khi ra làn nước 12 sải tay. Nơi ngư trường rộng, họ gọi các ngư trường là Địa, Đất Đỏ, Cỏ Cháy, Nhà Mát… Nhưng khi đến làn nước quá 20 sải tay, không nhìn thấy bờ, ngư phu lại lấy các chóp núi để gọi tên ngư trường như Cồn Rú, Luồng Buông, Răng Cưa, Nhọn Nậy, Nhọn Nhỏ, Chùa, Hòn Cao… Những “biển danh” đó được hiểu rằng: Răng Cưa là núi Mồng Gà, Nhọn Nhỏ là núi U Bò, Nhọn Nậy là núi Đầu Mâu, Chùa có tên núi Ba Rền… Ngư dân bản địa nói rằng, việc định danh núi cho ngư trường vì mục đích làm tiêu tìm bắt cá, sau dùng hướng chạy thuyền. Đặc biệt nữa, họ coi biển như quê cha đất tổ, gọi ngư trường bằng tên núi để biết công ơn tổ tiên giữ gìn vùng biển đời đời cho con cháu mưu sinh. Họ nói đó là sự yêu thương từng giọt nước mặn mòi, tạo nên hình dáng lòng yêu nước trong tâm can mỗi người dân đất cát.
Với người miệt biển, những ngư trường được định danh như thế thể hiện sự quan trọng không kém với tên đất, tên làng ở đất liền. Cụ Trương Phương Xa nói: “Ở đất có danh làng thì biển có danh vùng đánh bắt, đó là ngư trường truyền thống, cũng là nơi cha ông đặt định chủ quyền, từ hàng ngàn hàng vạn đời rồi. Sử sách còn ghi thì con cháu giữ lấy. Đánh bắt trên biển là một cách kéo dài tình yêu bản quán, mà cũng là cách giữ đất, giữ nước cùng với Nhà nước”. Dẫu có biến thiên dâu bể thì các ngư trường được gọi tên từ lòng ngư dân đều không đổi. Đi khắp dãy Trường Sa mới thấy lòng người không hề biến chuyển, vẫn vững vàng, chan chứa tình yêu quê hương. Nhà dân gian học Nguyễn Tú gọi: “Đó là biểu trưng của lòng yêu nước thương nòi. Bắt đầu từ yêu thích con nước, từ bờ cây ngọn cỏ mà lớn dần lên từng thế hệ, từng lớp người dạy dỗ, bảo ban nhau tạo ra một trường thành yêu nước trong lòng ngư dân muôn đời không phai”. Chỉ có thể từ tình yêu đó nên người Bảo Ninh mới giữ tốt biển làng, giữ tốt biển là giữ được lòng yêu bản quán không gì có thể bào mòn.
Đi tìm thìa nước mắm ngang mâm cỗ
Người Bảo Ninh còn tự hào có nhiều đặc sản biển. Nhưng họ tự hào nhất vẫn là nước mắm từ con cá nục mu. Người trong vùng truyền tai nhau câu thơ: “Nguyên chất nước mắm nục mu/Một thìa giá trị bằng mâm cỗ đầy”. Nục mu là loài cá nhỏ như ngón tay, toàn thân là thớ thịt nạc mềm mại. Lúc làm nước mắm, chỉ mới trộn muối thôi đã thấy rỉ nước huyết đỏ hồng ra ngập cả cá. Loại nước mắm này vừa thơm, vừa ngọt, màu sắc sánh như mật ong thượng hạng. Ở Bảo Ninh, các lão ngư cao niên còn truyền kể câu chuyện chúa Nguyễn rất thích nước mắm nục mu đã sắc chỉ cho loại nước mắm này đứng đầu các loại nước mắm của xứ biển trong vùng. Những năm đầu thế kỷ XX, nước mắm vùng Bảo Ninh đã xuất đến Huế, Sài Gòn ra Hà Nội, sang cả Lào, mỗi ngày không dưới 30 tấn nước mắm. Nước mắm Bảo Ninh nức tiếng, đến cả tiến sĩ Rôda, Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn đã làm bản phân tích sinh hóa vào năm 1918 và kết luận, đây là dòng nước mắm cho hàm lượng đạm rất cao và ông khuyên nên dùng dòng nước mắm tinh khiết bằng cách làm thủ công này. Bởi theo ông, con nục mu như kết hợp các tinh chất của biển. Con cá tuy nhỏ nhưng những phù du nhỏ bé nhiều năng lượng của biển được nó tiêu thụ một cách hoàn hảo… để con người khai thác, chế biến nó trong cái nắng đượm của vùng đất nhỏ của Trung phần.
Đi trên nền lũy Trường Sa, nhìn ra biển Đông, thấy từng con sóng xô nhau vào bờ, hôn vô biên vào chân cát như mối tình bất tận không hề phai nhạt, mới thấy đất làng Bảo Ninh tuy nhỏ nhưng khí phách thật lớn.
Kỳ tích Trường Sa chống nạn binh đao được kể trong Đại Nam thực lục tiền biên rằng, vào năm 1671, nhà Trịnh cho 18 vạn quân đột nhập Trường Sa nhưng quân và dân trong vùng đã giữ vững 3 tháng, cuối cùng chúa Trịnh phải rút quân vì hao người, tốn của, sợ dân tình oán thán. Lũy Trường Sa dài hơn 20km, được các nhà chiến lược quân sự phong kiến xem là công trình không chỉ kế sách binh lực mà còn có tính an dân. |
Minh Phong