Má không còn làm dâu

Ba mất. Mảnh đất hương hỏa ông bà để lại cũng không còn. Tết này không còn thấy cảnh má về làm dâu ông bà như thuở xưa…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
anh-phongtq-3-4340.jpg
Chân dung má tôi

Tuổi thơ tôi ám ảnh bởi chuyện má làm dâu. Trong ký ức non nớt trẻ thơ, tôi nhớ sau 23 tháng Chạp năm nào má cũng đùm túm khăn gói theo ba đưa chúng tôi về quê nội đón tết với ông bà.

Nói là quê nghe có vẻ xa xôi. Thực tế, nhà ông bà nội chỉ cách nhà tôi chưa đầy 40 cây số. Nhưng ngày xưa, khi đường sá chưa tráng nhựa, ổ gà lởm chởm, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe đạp, xe trâu hoặc xe bò, tôi cảm thấy xa cách vô cùng.

Mỗi lần về quê nội, ba má tôi thường dắt díu các con lội bộ ra ngoài thị trấn đón xe than để theo về.

Xe than là cách gọi tên theo kiểu người dân địa phương. Thực tế, đó là chiếc Renaul được cải tiến, gắn thêm bộ phận phụ trợ với buồng đốt phía dưới và than ở bên trên. Khi than củi được đốt cháy trong môi trường yếm khí sẽ tạo ra dòng CO dẫn vào buồng đốt, một số phản ứng vật lý xảy ra nơi động cơ, làm chuyển động xe.

Thùng nhiên liệu than đường kính chừng 40 - 50cm, cao khoảng thùng phuy được gắn sau xe nên vé ngồi gần “lò than” thường rẻ hơn các khu vực khác. Vì ba má tiết kiệm nên mỗi lần lơ xe leo lên mui tạt nước để chống nóng và dùng cây sắt cời cho than củi cháy, chỗ anh em tôi ngồi hứng trọn muội than mù mịt. Tới giờ tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác muội than bám chặt bên trong cánh mũi mỗi khi nhớ về.

Xe than chạy rất chậm, chỉ chừng 20-30km/giờ, chưa kể lâu lâu lại xảy ra sự cố khi leo dốc nên hành trình về quê nội rất nhiêu khê.

Nhưng điều đó chưa là gì so với cảnh ba má tôi ôm gạo, bánh tráng, măng khô, trứng gà, trứng vịt về ăn tết với nội. Anh em tôi còn nhỏ, sức yếu nên được giao ở hai đầu đòn gánh khiêng chiếc đầu máy may hiệu Sinco của má. Má mang máy may về để may quần áo cho nội và các cô với dượng. Ba tôi bảo do má khéo tay, nhà nội lại rất mê mặc đồ do chính tay má may, cắt.

Những ngày cận tết, má bận không kịp thở. Hết may vá, má lại lăn xả vào bếp. Cực khổ vậy nhưng vẻ mặt má lại rất vui, một tiếng dạ hai tiếng thưa.

Sau này tôi được ba giải thích truyền thống quê nội Đất Đỏ năm xưa thường hay vậy. Con cái lập nghiệp phương xa ở khu kinh tế mới sẽ quay về để đoàn tụ, sum vầy.

Dịp này, những người đàn ông sẽ lo việc dọn dẹp đất đai nhà cửa, kiểm tra lại hàng ba, mái ngói xem có hư hại hoặc mối mọt nơi nào. Phụ nữ sẽ lo việc may vá, nấu ăn và làm bánh, sên mứt. Cô gái nào không biết nữ công gia chánh, lơ là nghi lễ cúng kiếng, nói chuyện không biết dạ thưa sẽ bị đánh giá nhân cách và chê trách vô cùng.

Tôi nhớ, thời đó quê nội chưa có nước máy phân phối tận nhà. Chỉ có một vòi nước phông tên công cộng đặt ngay khu chợ Đất Đỏ, kế nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu bây giờ.

anh-phongtq-2-4752.jpg
Loài cây dại - quýt rừng được nhiều người dân quê Đất Đỏ chọn làm hàng rào

Đối với tôi, quê nội Đất Đỏ là một xứ sở thật lạ kỳ. Thiên nhiên ưu đãi cho nơi đây loại đất đỏ bazan màu mỡ, giàu dinh dưỡng và tốt cho cây trồng nhưng lại khá khắc nghiệt về nguồn nước. Mùa khô, nhiều giếng làng cạn trơ đáy. Chỉ những chiếc giếng đào thật sâu, may mắn gặp mạch ngầm mới có nước.

Chính vì vậy, tết về, các cô với dượng thi nhau lấy nước. Dượng đẩy xe 3 bánh với chiếc thùng phuy thật to xếp hàng chờ lấy nước ở cái phông tên. Các cô tôi quẩy thùng gánh nước ở các giếng xa trữ vào những hàng lu thật to đặt xung quanh nhà. Đến giờ, hình ảnh các cô và dượng lấy nước nơi xa mang về dự trữ dùng trong mấy ngày tết vẫn khiến tôi ấn tượng và nhớ rõ hơn bao giờ. Vì tôi rất thích chạy theo dượng và cô để nhìn ngắm cảnh vật và rong chơi.

Bây giờ, nước máy được phân phối tận nơi nên những chiếc xe ba gác đẩy nước năm xưa đã không còn tồn tại nữa. Các giếng cổ cũng được dân làng lấy tôn với gạch đắp lại. Vài nơi, để có đất, người ta đã lấp giếng đi.

Con đường đá sỏi gánh nước đêm trăng cũng không còn nữa, thay vào đó là con lộ trải nhựa thẳng tắp. Bất giác trong một phút nhớ lại quá khứ xa xưa, tôi giật mình phát hiện thêm những hàng rào quýt, mái ngói âm dương, những căn nhà cổ bỗng trở nên hiếm.

anh-phongtq-1-1497.jpg
Quê nội Đất Đỏ hôm nay nhà mới khang trang, cuộc sống đổi mới, giàu có và phát triển nhưng dần dà sẽ mất đi những hàng rào quýt, ngôi nhà cổ

Tết này ba mất, đất hương hỏa, ông bà cũng không còn nên má không còn phải làm dâu. Tôi hỏi còn nhớ gì không, má mỉm cười nói nhớ rõ chứ sao không.

Má nhớ từng văn hóa, tập tục xưa tốt đẹp, muốn các con gìn giữ. Má cũng muốn đính chính lại những quan niệm sai lầm khi cho rằng má nặng nề phận làm dâu.

Bởi thực tế, mọi thứ đến với má bằng sự tự nguyện, trách nhiệm của một người con, đầy yêu thương. “Bởi chúng ta là một gia đình”, má bảo.

TRƯƠNG QUỐC PHONG

Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu

Tin cùng chuyên mục